Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội trao quà hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trước thềm Tết Nguyên đán 2022. (Nguồn: An ninh Thủ đô) |
Những tháng cuối năm là thời điểm người người, nhà nhà tất bật ngược xuôi để lo cho một cái Tết đủ đầy. Năm nay, ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tới mọi mặt của đời sống xã hội khiến cái Tết ấm no lại càng xa tầm tay với các hộ nghèo.
Tinh thần tương thân tương ái giữa đại dịch
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hàng năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động vận động ủng hộ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17/10 đến 18/11 và đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 2.570 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” trên 619 tỷ đồng, an sinh xã hội trên 1.951 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 13.250 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ người nghèo các địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội phát triển sản xuất và học sinh về học tập trực tuyến... Cũng nhờ đó, hàng triệu người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh, tiêm vaccine Covid-19, nhiều công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, phòng khám...được xây dựng khang trang. |
Năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng, MTTQ Việt Nam đã có nhiều hình thức để tiếp tục khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, “nhường cơm sẻ áo” và được các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng hành ủng hộ, tạo được nguồn lực quan trọng để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Song song với vận động nguồn lực cho Quỹ "Vì người nghèo", công tác chăm lo cho người nghèo của Mặt trận các cấp được triển khai với nhiều hình thức phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Các hình thức hỗ trợ đảm bảo an sinh được MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai, nhân rộng và được xã hội hưởng ứng, tạo sự lan tỏa, góp phần hỗ trợ để các cá nhân, hộ gia đình nghèo khắc phục khó khăn.
Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", trong đợt dịch thứ 4, MTTQ Việt Nam đã kêu gọi nhân dân các địa phương ít chịu ảnh hưởng của dịch hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch với phương châm ai có gì hỗ trợ nấy. Hình thức này đã được nhân dân các tỉnh hưởng ứng tích cực.
Tính đến 30/9, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bị ảnh hưởng nặng của dịch đã nhận được 610 tỷ đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi này, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng hướng về quê hương với những hỗ trợ thực chất như tiền, hiện vật, trang thiết bị y tế với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng.
Không để ai không có Tết
Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt làm trọng tâm trong kế hoạch triển khai chung toàn hệ thống.
Mục tiêu đặt ra nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; những nơi nào đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19 thì kết hợp với công tác vận động nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo”.
Bên cạnh các mục tiêu hỗ trợ để người nghèo vượt qua khó khăn thì mục tiêu “Tết cho người nghèo” với yêu cầu “Không để ai không có Tết” cũng được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt ra đối với Mặt trận các tỉnh, thành phố. Theo đó, một phần nguồn vận động được trong Tháng cao điểm sẽ được dành để tổ chức thăm, động viên các hộ nghèo, gia đình khó khăn trước thềm Tết Nguyên đán.
Nhằm bảo đảm mỗi gia đình, mỗi người dân đều có Tết đầm ấm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng Kế hoạch chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết.
Ngoài việc chăm lo cho người nghèo bằng các chương trình Bánh chưng nghĩa tình, hộp quà đoàn kết…hay dành một phần kinh phí Quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo đón Tết, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và lãnh đạo một số ban, ngành ở Trung ương cũng sẽ đi thăm chúc Tết, tặng quà Tết cho người nghèo. Qua đó, góp phần khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Đối tượng thăm, tặng quà Tết là những người nghèo, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất. Trong đó ưu tiên những gia đình chính sách gặp khó khăn, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có người bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin khó khăn; hộ nghèo ở vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ; các hộ gia đình khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; các hộ là đoàn viên, hội viên nghèo; là công nhân viên chức, người lao động làm việc ở những khu vực còn nhiều khó khăn; cộng đồng nghèo (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, trung tâm trẻ mồ côi, người khuyết tật,…).
Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sẽ đến, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt làm trọng tâm trong kế hoạch triển khai chung toàn hệ thống. (Nguồn: Vietnamnet) |
Phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân
Thời gian tới, trong bối cảnh đại dịch dần được kiểm soát, đất nước đang phục hồi kinh tế và đứng trước nhiều cơ hội chuyển mình, người dân cũng có cơ hội vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu nếu được hỗ trợ đúng cách.
Trên cơ sở đó, công tác hỗ trợ người nghèo trước hết phải luôn quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Đặc biệt là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, bao gồm tiếp tục và mở rộng các chương trình xóa đói, giảm nghèo, kể cả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện, xã, thôn bản nghèo.
Thêm vào đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đồng thời ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu của chương trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị, địa phương, phát hiện những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai phạm trong thực hiện chương trình...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm tích lũy được, tiếp tục tham gia tích cực vào việc thực hiện phong trào; đẩy mạnh cuộc vận động “Vì người nghèo” theo tinh thần Chỉ thị 05.
Trong bối cảnh mới, công tác xóa đói giảm nghèo cần song hành với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đã đề ra. Theo đó, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội một cách đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là đối với người nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn hoặc rủi ro trong cuộc sống.
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là phát huy tiềm lực của đất nước, tinh thần cống hiến của mọi người dân. Để các hoạt động vì người nghèo thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; kịp thời biểu dương, tôn vinh những tấm lòng nhân ái, hảo tâm, thiện nguyện giúp đỡ người nghèo.
Đây cũng chính là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua: “Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”.
| Hội phụ nữ Bộ đội Biên phòng An Giang hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2021), từ ngày 18-19/10, Hội phụ nữ Bộ đội ... |
| Giảm nghèo bền vững và những con số ấn tượng Nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10, cùng TG&VN điểm lại những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong công tác giảm nghèo ... |