Huyện Bến Lức: Phát triển bền vững theo hướng Công nghiệp hoá – Đô thị hoá |
Qua đó, mở ra cơ hội để huyện đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đưa Bến Lức trở thành huyện phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
Ông Lê Thành Út - Quyền Chủ tịch UBND huyện Bến Lức |
Tận dụng lợi thế để thu hút đầu tư
Huyện Bến Lức là cửa ngõ của tỉnh Long An, các tỉnh ĐBSCL đi TP.HCM và ngược lại; hội tụ nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua như QL 1A, QL N2, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4,... Hệ thống giao thông này là các trục đường vận tải huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm logistics đến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cảng biển trong vùng và Cảng Quốc tế Long An. Với lợi thế này, Bến Lức trở thành huyện nằm trong vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh Long An với vai trò là đô thị trung tâm thuộc hành lang phát triển Bến Lức - Tân An, đồng thời là đô thị vệ tinh TP.HCM nên huyện có rất nhiều thuận lợi trong tiếp nhận các dự án đầu tư, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của huyện.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có 11 khu, cụm công nghiệp với khoảng 1.300ha đã được đầu tư. Đến nay đã có 9 khu, cụm công nghiệp có nhà đầu tư và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 90%. Sắp tới đây sẽ có thêm 2 KCN Tandoland và Prodezi được triển khai đầu tư với diện tích 650ha. Hơn nữa, các dự án dân cư, đô thị phát triển ngày càng nhiều trên địa bàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về sinh sống và vui chơi, giải trí cho người dân cũng như các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống, làm việc trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - ông Lê Thành Út, khẳng định: “Với truyền thống của mình, lãnh đạo – cán bộ - nhân dân trong huyện cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng, giúp doanh nghiệp triển khai đầu tư, sản xuất kinh doanh và đạt được thành công trên mảnh đất 02 lần nhận được danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến và là huyện đầu tiên của khu vực ĐBSCL vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Chúng tôi khẳng định, khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của huyện, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của huyện Bến Lức”.
Nhờ những lợi thế đó, những năm qua, Bến Lức đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ đến đầu tư trên địa bàn. Trong đó, năm 2022 được xem là năm để lại dấu ấn lớn trong thu hút đầu tư của huyện với 3 dự án lớn có tổng mức đầu tư trên 4.400 tỷ đồng, gồm: dự án xây dựng kho bãi, lưu thông hàng hóa và cho thuê kho bãi của Công ty TNHH Lotte Eco LogisLong An giai đoạn 1; dự án của Công ty nước giải khát Coca-Cola; dự án kho lạnh hiện đại nhất Việt Nam của Công ty TNHH MTV Đầu tư Long An. Đến nay, toàn huyện có 2.621 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 31.606 tỷ đồng và 126 doanh nghiệp, chi nhánh đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1.337 tỷ USD.
Với số lượng doanh nghiệp như trên, quy mô nền kinh tế huyện chiếm 32,04% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất là 35,14% trên toàn tỉnh, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 30,23% toàn tỉnh, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất là 3,6% toàn tỉnh. Đây là những yếu tố giúp Bến Lức trở thành một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách cao trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Bến Lức có 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là chỉ tiêu thu ngân sách, giảm số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Theo đó, năm 2022, nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỉ đồng, bằng 134% so cùng kỳ.
Quyết tâm tạo đột phá
Với kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, huyện Bến Lức xem đây là tiền đề quan trong để huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển, quyết tâm tạo đột phá để đưa huyện nhà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa trong thời gian tới. Mặt khác, để khai thác lợi thế so sánh của huyện, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Bến Lức trở thành đô thị, vệ tinh của cửa ngõ TP.HCM và vùng ĐBSCL, phấn đấu đến năm 2030 đạt đô thị loại III trực thuộc tỉnh, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.
Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Long An cũng đang gấp rút triển khai xây dựng đường Vành đai 3 đã triển khai bồi thường đạt 97,2% và khởi công dự án vào ngày 30/6/2023 kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua 4 tỉnh, thành phố: Long An - TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương, đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ (song song cao tốc TP. HCM - Trung Lương, có ga tại xã Thạnh Đức). Đặc biệt, ĐT830E là công trình trọng điểm được tỉnh tập trung đầu tư trên địa bàn huyện Bến Lức - Cần Đước, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa từ các KCN Bến Lức - Đức Hòa về cảng. Ngoài ra, tỉnh Long An còn định hướng đường Vành đai 4 đi qua các xã: Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức; đường Lương Hòa - Bình Chánh kết nối Cửa khẩu Mỹ Quý Tây; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu, ĐT830C,... góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế địa phương, kết nối vùng TP.HCM.
Quyền Chủ tịch UBND huyện Bến Lức cho biết, để đưa Bến Lức trở thành huyện phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, huỵện đã xây dựng “Chương trình huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025” nhằm tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với “Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh”. Trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến giao thông huyết mạch, mang tính định hướng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện từ nay đến năm 2030 như: đường Lương Hòa – Bình Chánh, đường Hựu Thạnh – Tân Bửu, đường 830E. Huyện phấn đấu đến năm 2025, Bến Lức đạt các tiêu chí thị xã và huyện Bến Lức đạt huyện nông thôn mới.
Hiện nay, UBND huyện Bến Lức đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Trong đó, dự án đường ĐT830E đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai thi công. Đường Lương Hòa - Bình Chánh, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025, công trình đang dọn dẹp vệ sinh nền đường để triển khai thi công. Đối với dự án đường Vành đai 3 đoan qua địa phận huyện Bến Lức, huyện giao các ngành hoàn chỉnh hồ sơ để phê duyệt phương án bồi thường và triển khai chi trả bồi thường cho dân trong quý II/2023.
Bên cạnh tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, huyện Bến Lức còn tăng cường công tác quản lý, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; quan tâm quy hoạch các khu dân cư, đô thị ven sông Vàm Cỏ Đông gắn với bảo tồn và phát huy các khu dân cư hiện hữu lâu đời. Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư có tiềm lực triển khai nhanh các dự án dân cư, đô thị, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ở các xã phía Bắc của huyện. Để đô thị Bến Lức trở thành đô thị thông minh, hiện đại, huyện sẽ tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp “năng động, sâu sát, thân thiện”, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu vươn tới và là thước đo cho việc hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tất cả các giải pháp đề ra sẽ được triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả nhằm mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp vào ngân sách địa phương và nâng cao thu nhập bình quân đầu người, tiếp tục phấn đấu đưa Bến Lức vươn lên ngang tầm với các đô thị trong khu vực, để tiếp nối thế hệ cha anh viết nên những trang sử vẻ vang của huyện nhà.