Toàn cảnh huyện Vĩnh Bảo. (Ảnh: Hồng Phong/Báo Đầu tư) |
Kinh tế-xã hội ổn định
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, kịp thời của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố; sự tập trung lãnh đao, chỉ đạo quyết liệt của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Vĩnh Bảo đã xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung cao chỉ đạo, thực hiện; sự chủ động, nỗ lực phấn đấu cảu các xã, thị trấn, các cơ quan, phòng, ban, ngành và toàn thể nhân dân trong huyện. Nhờ đó, những năm gần đây, huyện bước đầu đạt được những thành công nhất định.
Cụ thể, trong năm 2022, huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 18/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó 3/19 chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều hoàn thành vượt kế hoạch với chỉ số tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước tăng 14,64% so cùng kỳ.
Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp, snar xuất nông nghiệp đạt kết quả khá tích cực; chuyển đổi số gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, huyện đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng đạt kết quả tích cực.
Trong quý đầu năm 2023, kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục ổn định và phát triển. Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp duy trì ổn định, giá trị sản xuất ước đạt 1.575 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch; Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.755 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch. Huyện tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; Tổng thu ngân sách ước đạt 929.684 triệu đồng, đạt 43,19% dự toán.
Năm 2023, Huyện uỷ Vĩnh Bảo tiếp tục chọn chủ đề “Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính - Chỉnh trang đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” và đề ra 24 chỉ tiêu.
Trong đó xác định: tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 14-15%; thu nhập bình quân đầu người 69-70 triệu đồng/người/ năm; thu ngân sách tại huyện tăng 5% so với dự toán thành phố giao; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cấp xã, cấp huyện đã đạt; 02 trường học công nhận mới đạt chuẩn quốc gia; 10.000-10.500 lao động được giải quyết việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) 0,9%.
Đồng thời, kết nạp mới từ 280 đảng viên trở lên; trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại trực tiếp với Nhân dân theo quy định...
Để hoàn thành 24 chỉ tiêu trên, huyện uỷ Vĩnh Bảo đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trọng tâm là đổi mới nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu ngân sách. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng. Duy trì tiêu chí huyện nông thôn mới, đẩy mạnh xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, phát triển, nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đảm bảo quốc phòng- an ninh; nâng cao chất lượng các hoạt động thanh tra; tư pháp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Huyện Vĩnh Bảo chính thức đạt chuẩn NTM năm 2022. (Nguồn: VGP) |
“Về đích” nông thôn mới
Ngày 18/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 402/QĐ-TTg công nhận huyện Vĩnh Bảo đạt chuẩn NTM năm 2022.
Theo Quyết định, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.
Sau khi "về đích" huyện NTM theo bộ tiêu chí 2021-2025, huyện Vĩnh Bảo tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, huyện tập trung nguồn lực đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, đôn đốc các đơn vị thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình thuộc các dự án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2023 đối với 7 xã: Nhân Hòa, Tân Hưng, Hiệp Hòa, Vĩnh Long, Liên Am, Lý Học và Vĩnh Phong.
Đồng thời, huyện rà soát tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu các xã còn lại, đưa ra lộ trình cụ thể, đề xuất thành phố, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn bộ 29/29 xã trên địa bàn "về đích" NTM kiểu mẫu.
Khu công nghiệp Giang Biên 2. (Nguồn: Kinh tế Đô thị) |
Tận dụng lợi thế, đón đầu thời cơ mới
Những năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Vĩnh Bảo được triển khai thúc đẩy giao thương với các địa phương lân cận như Thái Bình, Hải Dương và Quảng Ninh.
Cụ thể, cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) có tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng; nâng cấp Quốc lộ 37 dài 7,7 km và xây dựng mới tuyến đường phía tả kênh đào Chanh Dương (huyện Vĩnh Bảo) với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng; tuyến đường nối ĐT354 (huyện Tiên Lãng) đến Quốc lộ 10 (huyện Vĩnh Bảo) có tổng chiều dài 8,1 km tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Trong tầm nhìn phát triển của thành phố Hải Phòng đến năm 2045, Vĩnh Bảo được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; dịch vụ logistics...
Để đón đầu thời cơ mới, huyện đã định hướng tập trung thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó ưu tiên vào cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, nhiều khu có kế hoạch mở rộng trong tương lai: Cụm Công nghiệp Giang Biên, Khu công nghiệp Trấn Dương - Hòa Bình…
Đặc biệt, khu công nghiệp Giang Biên 2 - với quy mô lên tới 350 ha hứa hẹn là điểm sáng phát triển kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 2023-2028 tại Vĩnh Bảo.
Những công trình trọng điểm nói trên sẽ góp phần phát triển nền kinh tế và thu hút đầu tư tại huyện Vĩnh Bảo, giúp huyện kết nối với những khu vực phát triển kinh tế sôi động nhất Đông Bắc Bộ. Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện, có lý do để tin rằng, Vĩnh Bảo sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của thành phố Hải Phòng.
| Cát Bà hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững Cát Bà đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch với du lịch biển đảo là cốt lõi, với sự nỗ lực vươn mình trong ... |
| Tập trung mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng Thủy Nguyên trở thành thành phố vào năm 2025 Huyện Thủy Nguyên hiện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang tăng tốc phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, công ... |
| Kiến Thụy nỗ lực tạo diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh Đầu năm 2023, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng hồ hởi đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). |
| Hải Phòng 'hòa mình' vào làn sóng hội nhập quốc tế Nhờ quá trình thực hiện đổi mới, vận dụng sáng tạo, năng động đường lối, chủ trương, chính sách về hội nhập quốc tế và ... |
| Huyện An Lão - cực tăng trưởng mới của Hải Phòng Huyện An Lão có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng. Sở hữu nhiều khu công nghiệp, ... |