Một tế bào bạch huyết đang phát triển thành tế bào T hoàn thiện. (Ảnh minh họa) |
Trong nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), 94% bệnh nhân bị bạch cầu nguyên bào cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukemia - ALL) - một dạng ung thư máu, đã gần như khỏi bệnh sau khi được điều trị bằng các tế bào bạch cầu được chỉnh sửa. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, 80% bệnh nhân bị u lympho không Hodgkin (non-Hodgkin's lymphoma) cũng cho kết quả điều trị rất tích cực với liệu pháp tế bào T khi hơn một nửa số bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe sau quá trình điều trị.
Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS) ngày 15/2, GS. Stanley Riddell, người đứng đầu dự án nghiên cứu tuyên bố: “Đây có thể coi là phát hiện chưa từng có trong y học. Trên thực tế, chưa từng có cuộc nghiên cứu nào cho tỷ lệ phản ứng tích cực như vậy sau điều trị với các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối”.
Tế bào T (T cells) là một trong những thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Chúng đóng vai trò nhận diện các loại virus và vi khuẩn có hại khi các mầm bệnh này xâm nhập vào cơ thể. Về cơ bản, liệu pháp tế bào T là liệu pháp sử dụng những tế bào đã được thay đổi để nhận dạng tốt hơn các tế bào ung thư.
Theo đó, các bác sĩ sẽ tiến hành tách các tế bào T khỏi cơ thể người bệnh, gắn thêm vào chúng các phân tử thụ thể (receptor) có khả năng tìm diệt ung thư, sau đó đưa trở lại cơ thể người bệnh. Các phân tử thụ thể được gắn vào được gọi là các thụ thể kháng nguyên (Cars) được lấy từ loài chuột đã biến đổi gen. Sau khi được gắn với các tế bào T, những phân tử Cars sẽ làm giảm khả năng lẩn trốn của tế bào ung thư trước cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể con người, nhờ đó cơ thể người có thể tự tìm diệt chúng.
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học San Raffaele (Milan, Italy) cũng cho thấy, các tế bào T có khả năng tồn tại ít nhất 14 năm sau khi được đưa vào cơ thể bệnh nhân ung thư. Các tế bào này sẽ hoạt động như một loại vaccine ngăn ngừa ung thư tái phát.
“Có thể coi tế bào T như một loại sinh dược, có thể sống trong cơ thể chúng ta suốt đời. Khi còn nhỏ, chúng ta được tiêm vaccine để bảo vệ khỏi bệnh tật thì tế bào T cũng hoạt động theo cơ chế như vậy. Không chỉ tiêu diệt mầm bệnh, tế bào T còn có khả năng ghi nhớ, sẵn sàng ứng phó nếu ung thư quay trở lại”, GS Chiara Bonin, người đứng đầu nghiên cứu giải thích.
GS. Daniel Davis đến từ Đại học Manchester (Anh) nhận định đây là bước tiến quan trọng trong điều trị ung thư. “Bản chất của liệu pháp miễn dịch là biến đổi tế bào T nhằm cung cấp phản ứng miễn dịch lâu dài chống lại ung thư. Phương pháp này có tiềm năng tạo nên cuộc cách mạng trong trị liệu ung thư”, ông nói.
Dù kết quả điều trị rất khả quan, các nhà khoa học cho rằng, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu khác và hiện chưa thể biết những người bệnh được chữa khỏi liệu có còn tái phát nữa hay không.
Liệu pháp này cũng đang gặp phải một số thách thức như khó thực hiện, chưa phát huy tác dụng với mọi loại ung thư và chi phí đắt đỏ. Tuy vậy, với những thành công bước đầu, nó đã mang đến hy vọng lớn cho giới y học, đặc biệt là các bệnh nhân đang hàng ngày phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.