Các nhà khảo cổ đang khai quật thư viện cổ ở Herculaneum. (Nguồn: CSM) |
Theo nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Live Science, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, các học giả thời La Mã cổ đại đã sử dụng một loại sơn có chì, mà khoa học ngày nay có thể đọc được bằng công nghệ X-quang.
"Điều này thực sự mở ra khả năng đọc được những cuộn giấy cổ nếu chúng được in bằng loại mực này" – ông Graham Davis, chuyên viên hình ảnh X-quang 3D (Đại học Queen Mary – Anh) cho biết.
Trước đó, các nhà khảo cổ tìm thấy khoảng 800 cuộn giấy cổ làm từ cói khi tiến hành khai quật thư viện tư nhân "Villa de Papyri" ở Herculaneum - một thành phố La Mã cổ đại đã bị ngọn núi lửa Vesuvius phá hủy cùng với thành phố lân cận nổi tiếng Pompeii (Naple, Italy) vào năm 79 sau Công nguyên.
Một cuộn giấy cói được tìm thấy ở thư viện Villa de Papyri. (Nguồn: National Geographic) |
"Mực có pha trộn kim loại (ở đây là chì) được sử dụng trong nhiều thế kỷ, sớm hơn so với suy nghĩ của giới khoa học trước đây. Đặc biệt, chúng tôi tìm thấy bằng chứng rõ ràng rằng chì đã được cố ý cho vào mực trên giấy cói Herculaneum" - nhà nghiên cứu Gilder Cooke cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học nỗ lực để đọc các cuộn giấy này. Trước kia, các nhà nghiên cứu từng cố giở các cuộn giấy cổ đại này ra nhưng chúng thường bị rách. Vì vậy, các nhà nghiên cứu phải tìm kiếm các giải pháp công nghệ khác.
Được biết những thí nghiệm ban đầu sử dụng công nghệ X-quang đã thất bại vì giấy bị cháy thành than. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã áp dụng kỹ thuật X-quang kết hợp chụp cắt lớp tương phản và hy vọng có thể giải mã tỉ mỉ những chữ cái Hy Lạp trên các cuộn giấy này.