Theo IFC, tại Việt Nam, năng lực sản xuất nhà sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp 6 lần trong năm 2020. |
Trước đại dịch chưa từng có, nhu cầu đối với PPE đảm bảo chất lượng trên toàn cầu như khẩu trang, găng tay y tế, kính và giày bảo hộ, mặt nạ phòng độc, bộ đồ bảo hộ, áo khoác và bộ đồ bảo hộ toàn thân đã tăng gấp 3-4 lần giai đoạn 2019-2020.
Theo một nghiên cứu gần đây được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh (FCDO), do việc tiêm chủng vaccine quy mô lớn cho toàn bộ dân số toàn cầu không thể hoàn thành ngay trong một khoảng thời gian ngắn, nhu cầu đối với các sản phẩm PPE dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ 6-9%/năm tối thiểu cho đến năm 2025.
Tại Việt Nam, năng lực sản xuất PPE đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp 6 lần trong năm 2020 và Việt Nam đã nổi lên là một trong những nhà cung cấp PPE mới cho thị trường toàn cầu.
Nguồn cung tăng mạnh này ban đầu xuất phát từ việc các công ty may mặc chuyển hướng sản xuất để đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế cũng như để giảm thiểu các khoản lỗ do các đơn hàng may mặc bị hủy bỏ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết. “Một số nhà sản xuất dệt may đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm PPE chủ yếu để ứng phó trước mắt với đại dịch, hiện đang cân nhắc cơ hội kinh doanh trung và dài hạn trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước đang phải đương đầu với tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, kỹ năng kỹ thuật và kiến thức ngành cũng như sự không đồng nhất tiêu chuẩn trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế để tiếp cận thị trường toàn cầu".
Để ứng phó, trong khuôn khổ Chương trình Tư vấn PPE Toàn cầu do Chính phủ Anh hỗ trợ, tại Việt Nam, IFC đang làm việc với các nhà sản xuất dệt may địa phương thông qua Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và các phòng thí nghiệm quốc gia thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (STAMEQ). Mục đích là hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các nhà sản xuất PPE và giảm chi phí bằng cách loại bỏ những gánh nặng không cần thiết liên quan đến tiêu chuẩn PPE và đánh giá hợp chuẩn.
Hội thảo khởi động dự án - Tổng quan Cung Cầu PPE - được tổ chức hôm nay tại Hà Nội phối hợp cùng VITAS. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo để nâng cao kiến thức ngành PPE, với trọng tâm là những yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn đối với sản phẩm PPE ở các thị trường khác nhau.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết.“Đại dịch Covid-19 là một phép thử giới hạn chống chịu của các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi cung ứng y tế trong đó có các thiết bị bảo vệ cá nhân. Chính phủ Anh tin rằng việc dạng hóa sản xuất PPE sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu có thể thích nghi tốt hơn và tránh được những gián đoạn trong tương lai.
Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam được chọn là một trong những quốc gia ưu tiên tham gia chương trình toàn cầu do Chính phủ Anh tài trợ. Với lực lượng lao động có tay nghề, các công ty Việt Nam có nhiều tiềm năng thành công trên toàn cầu.”
Trong 18 tháng tới, dự án cũng hỗ trợ một số nhà sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất PPE chất lượng tốt, tiếp cận nguồn cung vật liệu và thiết bị đáng tin cậy, và đạt được tiêu chuẩn quốc tế và chứng nhận về PPE để mở rộng xuất khẩu.
Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào cho hay: “Khả năng tiếp cận các sản phẩm PPE đạt chuẩn với hiệu quả chi phí hợp lý là một trong những yếu tố sống còn giúp một quốc gia chủ động ứng phó với Covid-19, kiểm soát và khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm PPE tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp tăng khả năng chống chịu của Việt Nam trước đại dịch, mà còn mang lại cơ hội kinh doanh khi chuỗi cung ứng PPE toàn cầu đang được đa dạng hóa mang lại nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất mới ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam".
Tháng 1/2021, IFC và Chính phủ Anh đã khởi động Chương trình Tư vấn PPE Toàn cầu nhằm tăng cường nguồn cung sản phẩm PPE liên quan đến Covid-19 cho các nước đang phát triển -nằm trong khuôn khổ hành động ứng phó Covid-19 của IFC và thuộc Chương trình Y tế Toàn cầu của IFC.
Chương trình y tế toàn cầu được triển khai từ tháng 7/2020 với khoản tài trợ lên tới 4 tỷ USD để cải thiện cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm chăm sóc y tế thiết yếu nhằm đối phó đại dịch ở các nước đang phát triển.