TIN LIÊN QUAN | |
IMF: Suy thoái do Covid-19 có thể tồi tệ hơn năm 2009, cần phản ứng 'chưa từng có tiền lệ' | |
IMF: Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu 'khá nghiêm trọng', nhưng chỉ tạm thời |
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Nguồn: Financial Express) |
IMF kêu gọi các quốc gia phải tiến hành các khoản chi tiêu "rất lớn" để tránh một loạt vụ phá sản và vỡ nợ tại các thị trường mới nổi.
Trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu rằng nền kinh tế thế giới “rõ ràng” là đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ tương tự hoặc thậm chí hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Song không giống như giai đoạn phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, bà Georgieva nói rằng kinh tế thế giới vào năm 2021 có thể ghi nhận "sự phục hồi đáng kể". Nhưng kịch bản này chỉ xảy ra khi các nước thành công kiểm soát sự lây lan của chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 và không để thiếu thanh khoản để thanh toán các khoản nợ.
Theo Tổng Giám đốc IMF, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra đối với nhiều thị trường mới nổi. Dù chưa trực tiếp chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các nước này đang hứng chịu tình trạng thoái vốn, nhu cầu về hàng xuất khẩu giảm trong khi giá hàng hóa cũng giảm mạnh.
Cho đến nay, 81 quốc gia đã đề xuất hoặc yêu cầu trực tiếp về các gói tài trợ khẩn cấp từ IMF, bao gồm 50 quốc gia thu nhập thấp và 31 quốc gia thu nhập trung bình. Bà Georgieva cho biết các thị trường mới nổi sẽ cần nguồn lực tài chính có giá trị tối thiểu là 2.500 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng. Song kho dự trữ trong nước và khả năng vay mượn từ thị trường của họ sẽ không đáp ứng được nhu cầu này.
Khi được hỏi liệu nền kinh tế toàn cầu có cần khoản cứu trợ lớn hơn 5.000 tỷ USD mới được các nước Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết hôm 26/3 hay không, bà Georgieva trả lời rằng IMF khuyến nghị các khoản cứu trợ nên có quy mô rất lớn.
Theo bà, đây là một cuộc khủng hoảng khổng lồ và sẽ không được giải quyết nếu thế giới không triển khai nguồn lực rất lớn. Người đứng đầu IMF lưu ý rằng lãi suất thấp sẽ giúp các nước dễ dàng hỗ trợ tài chính hơn.
Ngoài ra, bà Georgieva đã hoan nghênh gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật hôm 27/3 để giảm bớt tác động của dịch Covid-19 đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Quy mô của gói cứu trợ này lớn gần gấp ba lần so với gói 831 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ từng đưa ra hồi năm 2009.
Cũng vào ngày 27/3, Ban điều hành của IMF đã phê duyệt những thay đổi sẽ cho phép họ miễn nợ lên tới hai năm cho các thành viên nghèo và dễ bị tổn thương nhất của quỹ, khi các quốc gia này đang phải tìm cách đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã phê duyệt những thay đổi tương tự để xóa nợ cho tất cả các quốc gia thành viên. Hội đồng quản trị của WB hiện đang xem xét các dự án tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe liên quan tới dịch Covid-19 cho 25 quốc gia với tổng trị giá gần 2 tỷ USD. Trước đó, WB đã đưa ra khoản vay 14 tỷ USD cho những nhu cầu y tế cấp thiết liên quan tới dịch Covid-19 cho các quốc gia.
| Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh về sự hợp tác quốc tế chống dịch bệnh toàn cầu TGVN. Sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc - phần quan trọng của sự hợp tác và phối hợp toàn ... |
| Kinh tế Anh đã 'rơi tự do' từ trước khi có lệnh phong tỏa bởi dịch Covid-19 TGVN. Kinh tế Anh thực tế là đã ở trong tình trạng "rơi tự do" từ trước thời điểm Thủ tướng Boris Johnson công bố lệnh ... |
| Covid-19: WHO cảnh báo dịch tăng tốc, Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn toàn cầu 'ngay lập tức' TGVN. Ngày 23/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới ... |