Chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định, xung đột Nga-Ukraine đang gây ra tác động sâu rộng đối với kinh tế thế giới. (Nguồn: IMF) |
Ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% năm 2022 trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo đã công bố, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng Một, khi giá cả cùng nợ công tăng cao.
Đồng thời, cuộc xung đột cũng thúc đẩy lạm phát, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và năng lượng, làm gián đoạn thương mại trên thế giới.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ra tác động sâu rộng đối với kinh tế. Quỹ này quan ngại rằng, kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo dự báo tăng trưởng của IMF, Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch Covid-19.
Cụ thể, năm 2022, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu sẽ tăng 4,4%.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo giảm xuống mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn 1,1% so với mức dự đoán trước đó.
Theo IMF, Italy và Đức chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các quốc gia châu Âu khác do xung đột, bởi nhu cầu năng lượng và các ngành sản xuất lớn của hai nước này phụ thuộc nhiều vào Nga.
Quỹ này cũng nhận định, lạm phát đang gia tăng và sẽ dai dẳng hơn nữa. Tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát sẽ ở mức 5,7%, còn đối với các nền kinh tế đang phát triển mới nổi sẽ là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng Một.
Ông Gourinchas cảnh báo, lạm phát đang trở thành mối đe dọa đối với nhiều nền kinh tế.
Theo ông, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác đang chuyển dịch sang chính sách thắt chặt tiền tệ, song tình trạng gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine đang gia tăng những áp lực về các chủ trương này.
Điều này đặt ra thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách. Đó là làm thế nào để cân bằng và hỗ trợ những đối tượng khó khăn, đồng thời chống lại đại dịch, lạm phát, ngăn chặn rủi ro tài chính và hỗ trợ tăng trưởng việc làm.