Phát biểu tại cuộc họp báo của chính phủ ngày 16/3, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto, cho rằng việc phục hồi kinh tế quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phải được bắt đầu từ việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khi khu vực này đóng góp 61% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia.
Một nghệ nhân ở Malang, Đông Java, đang trang trí từ giấy màu. (Nguồn: Jakarta Globe) |
So với các khu vực khác trong nền kinh tế của Indonesia, SME đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch và cần phải được hỗ trợ nhiều nhất nếu chính phủ nước này muốn phục hồi nền kinh tế một cách hiệu quả và nhanh chóng. Indonesia cần phải xem các SME là trung tâm trong nền kinh tế, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu của nước này và thu hút rất nhiều lao động.
Theo Bộ trưởng Airlangga Hartarto, 64,2 triệu SME bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tương đương 99% tổng số SME đang hoạt động tại Indonesia. Hiện tại, chính phủ Indonesia đã cung cấp một khoản ngân sách khá lớn cho chương trình Phục hồi kinh tế quốc gia để hỗ trợ khu vực SME sớm ổn định để lấy lại đà phát triển.
Sự hỗ trợ của chính phủ Indonesia được triển khai thông qua 6 biện pháp chính. Đó là hỗ trợ lãi suất cho các SME, hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hỗ trợ cấp phí bảo lãnh, cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, và ưu đãi thuế để tái cơ cấu tín dụng cùng với rất nhiều hỗ trợ khác.
Thời gian tới, chính phủ nước này tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để khu vực này sớm hoạt động trở lại như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Cũng theo Bộ trưởng Airlangga Hartarto, ngoài việc hỗ trợ SME để phục hồi kinh tế, chính phủ Indonesia cũng đang thúc đẩy sử dụng công nghệ số. Đây cũng là một lĩnh vực rất cần thiết vì Indonesia có tiềm năng kinh tế số vô cùng lớn, với tốc độ phát triển được đánh giá là nhanh nhất và mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Dự kiến, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia sẽ đạt 124 tỷ USD vào năm 2025, so với con số 44 tỷ USD trong năm 2020. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chuyển đổi sang lĩnh vực kinh tế số là một lựa chọn bắt buộc đối với Indonesia.
Do vậy, trong 3 năm tới, chính phủ Indonesia sẽ đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đồng thời khuyến khích tăng cường sự hiểu biết của công chúng để đảm bảo các dịch vụ kỹ thuật số được bao trùm tại Indonesia.
Khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định khi xuất khẩu gạo sang Indonesia |