Nhỏ Bình thường Lớn

IPU 132 - Trọng tâm đối ngoại Quốc hội 2015

Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ triển khai hoạt động đối ngoại với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào tháng 3/2015, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng.
Lễ ký kết thỏa thuận giữa Quốc hội Việt Nam với IPU về việc chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan, tháng 3/2014.


Xin ông cho biết những hoạt động ngoại giao nghị viện nổi bật của Việt Nam trong năm 2014?

Trong năm 2014, tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng và khó lường, tác động nhiều mặt đến tình hình chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội của nước ta. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên triển khai Hiến pháp mới 2013; việc sửa đổi, phê chuẩn, bổ sung các điều ước quốc tế cũng đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác đối ngoại của Quốc hội.

Cùng với hoạt động ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân, công tác ngoại giao nghị viện tiếp tục được triển khai mạnh mẽ theo đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế", góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.

Thứ nhất, các hoạt động ngoại giao nghị viện đã góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác có quan hệ hữu nghị đặc biệt, các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống của Việt Nam. Trong năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã đón 6 Đoàn Chủ tịch Quốc hội các nước như Campuchia, Mỹ, Nga, Indonesia, Australia và Myanmar và nhiều đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban và Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị các nước... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thăm làm việc tại các nước Anh, Pháp, Ấn Độ, Hà Lan, Thụy Sỹ, Italia, Áo, CH Séc, Argentina, Chile, Nam Phi...

Các hoạt động trao đổi đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của cơ quan lập pháp, tham vấn những vấn đề quốc tế mà các bên quan tâm, trao đổi, thúc đẩy hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, đầu tư...; đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết và nhận thức thực tiễn của một số nước đối với ta trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; tranh thủ sự ủng hộ của nghị viện các nước trong vấn đề Biển Đông.

Thứ hai, hoạt động đối ngoại đa phương nổi bật là việc Quốc hội Việt Nam chính thức đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3/2015. Ngoài ra Quốc hội ta cũng tích cực tham gia các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực khác như Đại Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác. Sự tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam cùng với nhiều đóng góp, sáng kiến được chấp thuận tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng.

Thứ ba, trên tinh thần triển khai Hiến pháp mới 2013, công tác đối ngoại của Quốc hội trên các mặt lập pháp và giám sát có nhiều đổi mới. Trong năm 2014, Quốc hội đã xem xét, điều chỉnh trên 30 dự án luật có yếu tố nước ngoài; phê chuẩn ba công ước quốc tế là Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay; Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước của LHQ về Quyền của người khuyết tật. Việc Quốc hội phê chuẩn các công ước nêu trên được dư luận quốc tế đánh giá cao, nhất là về các nội dung liên quan đến quyền con người.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu tổng hợp, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và hợp tác quốc tế, hiện đang xây dựng định hướng "Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội trong giai đoạn mới"; triển khai chương trình hành động của Nhóm Đối thoại Việt- Mỹ về chất độc da cam/dioxin; thúc đẩy công tác của các Nhóm nghị sỹ hữu nghị của Việt Nam với các nước, chủ trì và triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đối ngoại của Quốc hội...

Phương hướng, trọng tâm hoạt động ngoại giao nghị viện của nước ta năm 2015 là gì, thưa ông?

Năm 2015, Quốc hội sẽ triển khai hoạt động đối ngoại với các nhiệm vụ trọng tâm: Một là, tập trung cao độ cho nhiệm vụ tổ chức thành công IPU-132 và các hoạt động bên lề sự kiện quan trọng này. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, giám sát theo tinh thần Hiến pháp 2013. Ba là, thực hiện tốt Chương trình đối ngoại của Quốc hội năm 2015 trên tinh thần chủ động, hiệu quả và tiết kiệm; tăng cường công tác vận động nghị trường trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, chất độc da cam - dioxin. Công tác đối ngoại của Quốc hội cần đặt trong trong tổng thể công tác ngoại giao của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tâm điểm hoạt động ngoại giao nghị viện năm 2015 là IPU-132, ông có thể cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện này cũng như các hoạt động chuẩn bị cho IPU-132 tính đến thời điểm hiện nay?

Tại Đại hội đồng IPU 130 tại Geneva (tháng 3/2014), Quốc hội Việt Nam đã chính thức tiếp nhận đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 tại Hà Nội.

Việc tổ chức IPU-132 vừa là một điểm nhấn quan trọng về ngoại giao nghị viện vừa là dấu ấn của Ngoại giao Nhà nước Việt Nam trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường quan hệ ngoại giao song phương với nhiều đối tác quan trọng cũng như các đối tác Việt Nam ít có dịp tiếp xúc. Việt Nam đăng cai tổ chức IPU-132 để nâng cao vị thế của đất nước và Quốc hội Việt Nam, thể hiện trách nhiệm của nước thành viên IPU, đồng thời là trách nhiệm của nước chủ nhà. Đây cũng là dịp tốt để ta quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thành công của việc tổ chức IPU-132 sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động xúc tiến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch vào Việt Nam cũng như của Việt Nam ra nước ngoài.

Đăng cai tổ chức IPU-132, chúng ta sẽ đón khoảng 160 đoàn với gần 2.000 đại biểu từ các nghị viện quốc gia thành viên, khách mời và các tổ chức quốc tế. Từ đầu năm 2014, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu; Ban tổ chức quốc gia do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng là Trưởng ban; Ban Thư ký và các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy giúp việc cho các cơ quan nói trên với sự tham gia cũng hàng trăm cán bộ của các cơ quan của Quốc hội cũng như các Bộ, ban ngành và địa phương liên quan.

Về nội dung của IPU-132, Việt Nam đã đề xuất và được IPU chấp thuận chủ đề thảo luận chung là "Các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Biến lời nói thành hành động". Đây là thông điệp hết sức có ý nghĩa trong năm 2015, thời điểm cộng đồng quốc tế hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tiến tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Ngoài ra, Việt Nam cũng đề xuất nhiều chủ đề cho các phiên thảo luận tại các cuộc họp của các Ủy ban chuyên môn của IPU; đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết sẽ thông qua tại IPU 132…

Chúng ta cũng đã đón Tổng Thư ký IPU và các chuyên gia của IPU sang hỗ trợ cho công tác tổ chức; đã tổ chức hai Hội nghị tập huấn cho liên lạc viên và tình nguyện viên nòng cốt phục vụ tổ chức Đại hội đồng IPU-132. Website của IPU-132 đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động với phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp…

Bên cạnh đó, các công tác liên quan đến an ninh, y tế; lễ tân hậu cần, lãnh sự cũng đang gấp rút được tiến hành.

Có thể khẳng định rằng, với lòng tự hào dân tộc và truyền thống mến khách của người Việt Nam, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cộng với với ý thức trách nhiệm cao của các tổ chức và cá nhân được giao nhiệm vụ và sự ủng hộ, tín nhiệm của bạn bè quốc tế, có nhiều lý do để tin tưởng rằng Đại hội đồng IPU-132 tổ chức tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Nguyễn Kim (thực hiện)