Hoạt động làm giàu uranium của Iran từ lâu đã bị phương Tây nghi ngờ là một nỗ lực bí mật để phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà Tehran đã nhiều lần phủ nhận. (Nguồn: Reuters) |
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết, Tehran sẵn sàng ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này nếu các cuộc đàm phán đó dẫn đến một thỏa thuận mới.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Kazem Gharibabadi tiết lộ vòng tham vấn mới giữa nước này và châu Âu về vấn đề ký kết thỏa thuận hạt nhân sẽ diễn ra vào ngày 13/1.
Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn lời ông Araghchi nêu rõ: "Chúng tôi vẫn sẵn sàng tham gia ngay lập tức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng về chương trình hạt nhân. Những cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận".
Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm ba nước châu Âu đã diễn ra ngày 29/11/2024 tại Geneva (Thụy Sỹ) sau thời gian gián đoạn 2 năm. Trợ lý Ngoại trưởng Iran phụ trách các vấn đề chính trị Majid Takht Ravanchi dẫn đầu phái đoàn quốc gia này tại cuộc đàm phán.
Một tuần trước đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua nghị quyết do Anh, Đức, Pháp và Mỹ đề xuất mà Tehran chỉ trích là chống lại Iran, không tính đến kết quả chuyến thăm Iran của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi.
Hoạt động làm giàu uranium của Iran từ lâu đã bị phương Tây nghi ngờ là một nỗ lực bí mật để phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà Tehran đã nhiều lần phủ nhận.
Năm 2015, Iran đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), giới hạn chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc giảm bớt một phần các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận dưới thời Tổng thống Donald Trump. Kể từ đó, Iran đã tăng cường khả năng làm giàu uranium của mình, trong khi các nỗ lực khôi phục thỏa thuận vẫn chưa thành công.
Tháng trước, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết Iran đang "tăng tốc một cách đáng kể" việc làm giàu uranium lên đến mức tinh khiết 60%, gọi đây là diễn biến "rất đáng lo ngại".
Trước đó, truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn tin nói rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đã bàn tới các kịch bản hành động quân sự đối với các cơ sở hạt nhân của Iran nếu nước này tiến gần đến việc phát triển vũ khí nguyên tử trước khi ông rời nhiệm sở. Cuộc họp không dẫn đến quyết định cụ thể và chỉ mang tính dự phòng.