Chất mù tạt lưu huỳnh có thể gây phồng rộp da, hỏng mắt và đường hô hấp. (Nguồn: BBC) |
Một quan chức Mỹ cho biết, Chính phủ nước này ghi nhận 4 vụ tấn công dọc biên giới Syria - Iraq, trong đó chất mù tạt ở dạng bột đã được sử dụng. Nhóm phóng viên của BBC tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã tìm thấy những bằng chứng củng cố cho tuyên bố này.
Chất mù tạt thường được sử dụng ở dạng bột và đóng trong những khối thuốc nổ truyền thống như đạn cối. Khi phát nổ, bột mù tạt sẽ gây bỏng đối với người tiếp xúc.
Theo thông tin từ tình báo Mỹ, có hai giả thuyết để lý giải cho câu hỏi tại sao IS có vũ khí hóa học. Trong đó, nhiều quan chức Mỹ tin vào nghi vấn IS có một bộ phận chuyên tự chế tạo loại vũ khí trên vì công thức hình thành chất mù tạt được phổ biến tương đối rộng rãi và quy trình sản xuất loại hóa chất này cũng không hề phức tạp.
Giả thuyết thứ hai cho rằng, IS đã chiếm được một số kho vũ khí hóa học ở Iraq hay Syria. Tuy nhiên, khó có khả năng tồn tại những địa điểm này ở Iraq, vì quân đội Mỹ có đủ khả năng phát hiện ra chúng trong chiến dịch quân sự kéo dài gần một thập kỷ qua ở đây.
Trong khi đó, việc IS chiếm được vũ khí hóa học của Chính phủ Syria cũng ít có khả năng xảy ra vì dưới sức ép phải hứng chịu các cuộc không kích của Mỹ vào năm 2013, chính quyền Syria đã buộc phải bàn giao các kho vũ khí hóa học để tiêu hủy.
Tháng trước, Liên hiệp quốc đã tiến hành điều tra nhằm xác định các cá nhân, tổ chức hay chính phủ có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Cùng lúc đó, Mỹ thông báo phát hiện dấu vết của loại vũ khí nguy hiểm này trong các mảnh đạn cối được sử dụng ở Iraq. Tuy nhiên, đây chưa phải kết luận cuối cùng.
Về lý thuyết, vũ khí hóa học không còn tồn tại ở Syria kể từ tháng 7/2014, khi nước này hoàn thành việc bàn giao kho vũ khí hóa học khổng lồ lên tới 1.180 tấn. Theo BBC, kể từ khi khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này bùng phát, 200.000 người Syria đã thiệt mạng và một phần trong số đó là nạn nhân của vũ khí hóa học.
Mù tạt lưu huỳnh, hay còn gọi là chất mù tạt, có màu nâu vàng và mùi giống mùi cây mù tạt (cây cải), tỏi hoặc cải ngựa. Chất này gây ra những vết bỏng hóa học trên da, mắt và phổi. Nó có thể gây chết người, khiến nạn nhân tàn tật, gây ung thư hoặc mù vĩnh viễn. Theo Công ước Vũ khí Hoá học năm 1993 (CWC), nhóm mù tạt lưu huỳnh và nitrogen (nitơ, hay khí đạm) là những chất không được sử dụng chỉ trừ trong chiến tranh hóa học. Chất này có thể được triển khai trên chiến trường bằng cách phun từ máy bay, hay thả bom hoặc đạn pháo. |
Trọng Trường (theo BBC)