📞

Israel đón nhận nhiều cơ hội với chính quyền Mỹ mới

15:36 | 23/01/2017
Những động thái đầu tiên giữa Israel và Mỹ sau khi ông Donald Trump nhậm chức đã cho thấy một tương lai rộng mở giữa hai đồng minh này.

Theo Văn phòng của Thủ tướng Israel, ngày 22/1, trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời mời Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới Washington vào tháng sau.

Thúc đẩy tầm nhìn chung

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng cho biết: “Tổng thống Trump đã mời Thủ tướng Netanyahu tới Washington vào tháng 2/2017. Thời gian cụ thể của chuyến thăm sẽ được ấn định trong một vài ngày tới”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 25/9/2016. (Nguồn: Reuters)

Đáp lại, Thủ tướng Israel đã nhận lời mời tới thăm Nhà Trắng với hy vọng thúc đẩy “tầm nhìn chung” về khu vực với Tổng thống Donald Trump, trong đó có thể sẽ bao gồm vấn đề mở rộng xây dựng khu tái định cư ở lãnh thổ mà Israel chiếm đóng và thảo luận về chính sách cứng rắn hơn với Iran.

Thủ tướng Netanyahu công bố kế hoạch tới Washington vào đầu tháng 2/2017 chỉ vài giờ sau khi tuyên bố trì hoãn cuộc bỏ phiếu về kế hoạch sáp nhập một trong các khu định cư lớn nhất Bờ Tây, rõ ràng là để chờ xem chính sách của chính quyền Mỹ mới về Palestine ra sao. Động thái này khiến trì hoãn việc thông qua dự luật mà có thể sẽ kích động bạo lực và dập tắt những hy vọng về nền độc lập của Palestine. Nó cũng đánh dấu sức ảnh hưởng đầu tiên của ông Trump tới vấn đề ngoại giao ở Trung Đông.

Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Israel, cung cấp cho nước này hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm, nhưng cựu Tổng thống Barack Obama đã trở nên rất tức giận trước việc xây dựng khu tái định cư của Israel. Ông Obama đã không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 23/12 về việc lên án khu tái định cư của Israel. Trong khi đó, ông Trump cho rằng cần phải phủ quyết nghị quyết này.

Sau 8 năm quan hệ có phần lạnh nhạt với Tổng thống Obama, ông Netanyahu đón nhận việc ông Trump đắc cử như một cơ hội để củng cố quan hệ giữa hai đồng minh. Truyền thông Israel đưa tin rằng ông Netanyahu đang củng cố các kế hoạch mở rộng xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem - chính sách bị ông Obama kịch liệt lên án.

Tối 22/1, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm “nồng ấm”, theo miêu tả của Văn phòng Thủ tướng Israel. Cơ quan này cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thỏa thuận hạt nhân với Iran - điều mà cả hai kịch liệt phản đối, cũng như về vấn đề Palestine. Nhà Trắng cho biết, ông Trump đã nói với ông Netanyahu rằng, hòa bình với Palestine “chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên”, và rằng Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với Israel để đạt được mục tiêu đó. Ông Trump cũng khẳng định “cam kết chưa từng có để bảo đảm an ninh của Israel” và trọng tâm của chính quyền ông trong việc chống khủng bố.

Vấn đề mấu chốt

Sau khi triệu tập nội các hôm 22/1, ông Netanyahu cho biết, các bộ trưởng trong nội các của ông đã “nhất trí” quyết định trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua kế hoạch sáp nhập này cho đến sau khi ông tới thăm Washington để hội đàm với ông Trump.

Ông Netanyahu, dù từ lâu ủng hộ việc xây dựng khu tái định cư, nhưng đã tỏ ra thận trọng trong việc mở rộng kế hoạch này trước sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ông Bennett và các nhân vật bảo thủ khác tin rằng hiện không còn lý do gì để kiềm chế hành động của họ. Ông Bennett viết trên mạng Twitter rằng: “Lần đầu tiên trong vòng 50 năm qua, Thủ tướng Israel có thể quyết định lựa chọn giữa chủ quyền hay Palestine”.

Maaleh Adumim, khu tái định cư của gần 40.000 người phía Đông Jerusalem. (Nguồn: AP)

Việc sáp nhập Maaleh Adumim, khu tái định cư của gần 40.000 người phía Đông Jerusalem, có thể kích động mối bất đồng lớn với Palestine và cộng đồng thế giới. Mặc dù ông Trump không bày tỏ quan điểm về việc sáp nhập này, nhưng ông đã đưa ra dấu hiệu về cách tiếp cận mềm mỏng hơn những người tiền nhiệm về vấn đề tái định cư của Israel. Đại sứ được ông bổ nhiệm tới Israel là người nắm rõ thực trạng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây, và một phái đoàn các nhà lãnh đạo các khu tái định cư này đã tham dự lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1 với tư cách khách mời của các quan chức chính phủ.

Ông Trump cũng nói rằng, ông ủng hộ hai yêu cầu chính của Israel, đó là chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Ngày 22/1, Tổng thống Trump đã bỏ qua câu hỏi của các phóng viên về vấn đề này. Cũng giống như các quốc gia khác, Mỹ vẫn duy trì đại sứ quán ở Tel Aviv, nói rằng các tranh chấp ở Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên, ông Trump đang đứng trước sức ép lớn từ Palestine và các nước Ả rập khác, phản đối việc di chuyển đại sứ quán. Số phận của Đông Jerusalem, nơi có nhiều di sản tôn giáo nhạy cảm, bị tranh cãi gắt gao và những bất đồng này từng bị kích động thành các cuộc bạo lực.

Nhà Trắng đã bác bỏ tin đồn rằng ông Trump chuẩn bị tuyên bố kế hoạch di chuyển đại sứ quán và nói rằng họ mới chỉ “bắt đầu” thảo luận về kế hoạch này. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi một loạt thông điệp tới ông Trump, kêu gọi ông không nên di chuyển đại sứ quán và cảnh báo ông Trump có nguy cơ gạt bỏ tính hợp pháp của Israel nếu tiến hành hành động này.

Không giống như các khu tái định cư ở Bờ Tây, Israel đã sáp nhập phía Đông Jerusalem và coi đó là khu vực không thể tách rời của thủ đô nước này. Tuy nhiên, vụ sáp nhập này không được thế giới công nhận.

(theo AFP, AP)