📞

Israel-Iran: Trả đũa trong tính toán

TS. Vũ Đăng Minh 06:30 | 01/11/2024
Điều được dự báo nhưng không trông đợi đã diễn ra. Rạng sáng ngày 26/10, Israel tiến hành đòn tập kích hỏa lực đường không vào nhiều mục tiêu quân sự ở thủ đô Tehran và một số thành phố của Iran. Đợt tấn công trả đũa của Israel có những điểm đáng chú ý và đặt ra nhiều vấn đề.
Các cuộc không kích ăn miếng trả miếng giữa Israel và Iran luôn được tính toán kỹ lưỡng. (Nguồn: Al Jazeera)

Những điểm đáng chú ý

Một, đợt tấn công trên cách cuộc tập kích ngày 1/10 của Iran 25 ngày. Điều này cho thấy Tel Aviv tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, tham vấn Mỹ về phương án, quy mô, mục tiêu, thời điểm tấn công và thực hành diễn tập. Israel cũng cần thời gian để tạo dư luận, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và trong nước, nhất là trước những phản ứng về việc mở rộng phạm vi, quy mô tấn công ở Lebanon, vào cả lực lượng gìn giữ hòa bình, cứu trợ của Liên hợp quốc, gây thương vong cho thường dân.

Vì thế, thời điểm tấn công trả đũa không diễn ra vài ngày sau đợt tập kích của Iran, nhưng cũng không quá lâu, sát hoặc sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Có dư luận nói Israel trì hoãn trả đũa vì tài liệu tuyệt mật của tình báo Mỹ liên quan kế hoạch tập kích bị phát tán trên mạng. Chuyện khá bất ngờ, dẫn đến những suy diễn khác nhau. Thông tin này không được thừa nhận hay bác bỏ.

Hai, Tel Aviv sử dụng hơn trăm máy bay tiên tiến, trong đó có loại tàng hình F-35, tập kích kéo dài khoảng ba giờ, nhằm vào các mục tiêu quân sự quan trọng như hệ thống phòng thủ tên lửa, cơ sở sản xuất tên lửa và căn cứ phóng tên lửa, máy bay không người lái của Tehran.

Đòn trả đũa đủ mạnh, gây tổn thất cho đối phương, thể hiện sức mạnh răn đe, chứng tỏ Israel có thể tiến công mạnh hơn vào tất cả mục tiêu cần thiết. Song, nó không khủng khiếp như một số lo ngại là Tel Aviv tấn công hủy diệt cơ sở hạt nhân, dầu mỏ, những biểu tượng quân sự, kinh tế của Tehran. Hành động thực tế và tuyên bố của Israel cho thấy họ tấn công vừa đủ mức trả đũa, vừa mở “đường lùi” cho Iran.

Ba, truyền thông đưa tin trái ngược về cuộc tấn công. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định đòn không kích “chính xác và mạnh mẽ”, “đạt tất cả mục tiêu”, gây thiệt hại nghiêm trọng khiến Iran khó tiếp tục tấn công. Quân đội Israel nói đã phá hủy 4-5 hệ thống phòng thủ S-300, không gặp sự chống trả đáng kể và các máy bay quay về an toàn.

Ngược lại, Iran cho rằng quy mô tấn công không lớn như tuyên bố của Israel, họ đã chống trả có hiệu quả và tổn thất không đáng kể. Có ý kiến (chưa được kiểm chứng), nói Tel Aviv cố tình “rò rỉ” thông tin về cuộc tấn công cho Tehran! Thông tin trái ngược là chuyện thường tình trong cuộc chiến truyền thông, đều có chủ đích cho những toan tính, phản ứng tiếp theo.

Lý giải và dự báo

Có thể nói, đòn trả đũa vừa đủ của Israel đạt được mục đích, mục tiêu cơ bản. Hiện Israel vẫn muốn tránh một cuộc đối đầu toàn diện với Iran vì hậu quả khó lường, để tập trung sức mạnh giải quyết tận gốc lực lượng Hamas, Hezbollah, Houthi. Các tổ chức này đang bị tổn thất nghiêm trọng và khả năng hỗ trợ, chi viện từ Iran suy yếu nhiều.

Cục diện đang có lợi cho Israel. Khi đã dẹp yên các lực lượng ủy nhiệm, chặt hết “vây cánh” của Iran, quay lại cuộc xung đột làm suy yếu, loại bỏ ảnh hưởng của đối thủ, vẽ lại bản đồ chính trị, an ninh ở Trung Đông cũng không muộn và đỡ tổn thất nhất.

Mỹ là nhân tố rất quan trọng đối với sự “chừng mực” của Israel trong đợt đáp trả này. Washington kiên quyết ủng hộ Tel Aviv, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến THAAD cùng 100 binh sĩ đến Israel. Mặt khác, họ khuyến cáo Tel Aviv không tấn công các mục tiêu cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Tehran, tránh lôi kéo Trung Đông vào vòng xoáy chiến tranh toàn diện, khó kiểm soát.

Nếu diễn ra cuộc chiến toàn diện, đồng nghĩa với sự thất bại của chiến lược Trung Đông của Mỹ. Washington sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi căng thẳng đồng thời leo thang ở Ukraine và bán đảo Triều Tiên, gây bất lợi lớn cho đảng Dân chủ khi ngày bầu cử đã cận kề.

Bối cảnh đặt Iran trước tình thế lưỡng nan, sự lựa chọn khó khăn. Đáp trả ngay lập tức sẽ khiến tình hình leo thang căng thẳng, nguy cơ đối diện với cuộc chiến toàn diện mà Tehran có phần bất lợi cả về quân sự, kinh tế. Nếu không có hành động thích đáng thì vị thế của Iran suy yếu, mất vai trò trước “trục kháng chiến” và ở khu vực.

Điều này thể hiện trong tuyên bố của Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei: không nên hạ thấp hay phóng đại tội ác mà Israel gây ra ngày 26/10; cần thể hiện sức mạnh với đối thủ. Đồng thời, ông chỉ đạo chính quyền, quân đội xác định “điều gì cần làm vì lợi ích tốt nhất của người dân và đất nước”. Quan điểm có phần chừng mực hơn so với sự cứng rắn thường thấy.

Từ những động thái trên, có thể dự báo, Iran chưa trả đũa quyết liệt ngay sau đòn tấn công của Israel. Nếu có phản ứng cũng ở mức độ chấp nhận được vào thời điểm phù hợp. Phương án có thể được coi là tốt nhất đối với Tehran là tiếp tục hỗ trợ “trục kháng chiến” củng cố lực lượng, duy trì hoạt động quân sự khiến Tel Aviv đứng trước trạng thái mất an ninh, phải dàn quân đối phó trên nhiều mặt trận.

Điều đó đồng nghĩa với việc kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai lực lượng hùng mạnh, làm bùng phát cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông ít khả năng xảy ra. Tuy vậy, khu vực vẫn trong tình trạng căng thẳng. Israel tiếp tục xung đột một cách quyết liệt ở Lebanon, Dải Gaza, có thể mở rộng ra Yemen, Syria; Hezbollah, Hamas vẫn tìm cách phản công; nguy cơ leo thang xung đột vẫn tiềm ẩn.

Sự răn đe mạnh mẽ từ các bên và phản ứng tích cực của dư luận quốc tế cùng những nỗ lực ngoại giao với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện phần nào kiềm chế bùng phát cuộc chiến toàn diện, nhưng vấn đề Trung Đông còn lâu mới được giải quyết một cách cơ bản, triệt để.