Người dân đi dọc bến cảng đầy màu sắc - Nyhavn, ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch vào ngày 3/9. (Nguồn: CNN) |
Đan Mạch
Chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế còn lại ở nước này vào ngày 10/9 và cho rằng, Covid-19 không còn là một căn bệnh, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội.
Người Đan Mạch có thể vào các hộp đêm và nhà hàng mà không cần xuất trình "hộ chiếu vaccine" (giấy chứng nhận tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19), sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà không cần đeo khẩu trang và tổ chức các cuộc gặp mà không bị hạn chế số lượng người tham dự.
Về cơ bản, người dân Đan Mạch đã quay trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Chìa khóa thành công của Đan Mạch một phần nằm ở việc triển khai tiêm chủng vaccine.
Theo Our World in Data, tính đến ngày 13/9, hơn 74% dân số Đan Mạch đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho hay: “Vaccine Covid-19 và sự nỗ lực của người dân trong một thời gian dài là cơ sở để Đan Mạch sống chung với Covid-19”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Heunicke cũng lưu ý: “Hiện tại, Đan Mạch đang ở trong tình trạng tốt nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Và chính phủ sẽ không ngần ngại hành động nhanh chóng nếu đại dịch một lần nữa quay trở lại và đe dọa cuộc sống”.
Singapore
Tháng 6/2021, chính phủ Singapore thông báo, họ đang có kế hoạch hướng tới chiến lược sống chung với Covid-19 - nỗ lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh bằng vaccine và giám sát các trường hợp triệu chứng nặng phải nhập viện thay vì hạn chế cuộc sống của người dân.
Các quan chức hàng đầu nghiên cứu về Covid-19 của Singapore cho rằng: "Tin xấu là Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất. Tin tốt là con người có thể sống bình thường với virus SARS-CoV-2".
Các nhà chức trách bắt đầu nới lỏng một số hạn chế vào tháng 8/2021 và cho phép những người đã được tiêm phòng đầy đủ đến các nhà hàng và tổ chức các buổi gặp gỡ 5 người.
Nhưng sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Delta đã khiến chiến lược sống chung với Covid-19 tại quốc gia này trở nên căng thẳng. Singapore buộc phải tạm dừng mở cửa trở lại.
Tuần trước, các quan chức cảnh báo rằng, họ có thể cần phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế nếu đợt bùng phát Covid-19 mới không nằm trong tầm kiểm soát.
Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Singapore cho biết, họ sẽ cố gắng hạn chế sự bùng phát của đại dịch thông qua việc truy dấu người tiếp xúc với Covid-19 và kiểm tra thường xuyên hơn đối với những người có nguy cơ cao. Dù vậy, quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt.
Singapore đã theo đuổi chiến lược “Zero-Covid” trước khi chuyển hướng tiếp cận và đạt tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao nhất trên thế giới, với 81% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Chùa Wat Chedi Luang ở Chiang Mai, Thái Lan vào ngày 9/9. (Nguồn: CNN) |
Thái Lan
Tuần trước, các quan chức Thái Lan cho biết, quốc gia này có kế hoạch mở cửa trở lại tại thủ đô Bangkok và các điểm đến nổi tiếng khác cho du khách nước ngoài. Quốc gia Đông Nam Á này cố gắng hồi sinh ngành du lịch - một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, bất chấp số lượng các ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Theo Reuters, du khách được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine và cam kết thực hiện các xét nghiệm Covid-19 sẽ được phép đến Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai.
Đảo Phuket đã mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng vào ngày 1/7. Sau 15 ngày, một chương trình tương tự cũng được khởi động trên các đảo Koh Samui, Koh Pha Ngan và Koh Tao.
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Thái Lan đang tụt hậu so với một số nước láng giềng. Theo Our World in Data, tính đến ngày 13/9, chỉ dưới 18% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine và 21% dân số được tiêm một mũi.
Nam Phi
Nam Phi bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19 khi tỷ lệ lây nhiễm giảm ở nước này. Lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc đã được rút ngắn, quy mô các buổi gặp gỡ, tụ tập tăng lên.
Ngày 13/9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, dân số trưởng thành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 là chìa khóa để mở cửa lại nền kinh tế và tránh làn sóng Covid-19 lần thứ tư.
Tổng thống Nam Phi cho hay, trong hai tuần tới, chính phủ sẽ cung cấp thêm thông tin về “hộ chiếu vaccine” - có thể được sử dụng làm bằng chứng về việc đã tiêm chủng để người dân được phép đi lại, tham gia các hoạt động tập thể, sự kiện được tổ chức ở khu vực công cộng...
Ông Ramaphosa cũng cảnh báo, làn sóng Covid-19 lần thứ 3 do biến thể Delta vẫn chưa kết thúc, nhưng đất nước hiện có đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành.
Ông nói: “Làn sóng thứ ba vẫn chưa kết thúc và chỉ thông qua hành động của cá nhân và tập thể, chúng ta mới có thể giảm thiểu số lượng ca nhiễm mới. Mọi người hãy tiêm phòng và tuân thủ các hạn chế còn lại để đất nước trở lại bình thường".
Chile
Chile là quốc gia được thế giới ca ngợi vì chiến dịch tiêm chủng thành công và suôn sẻ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Chile, gần 87% người dân quốc gia này được tiêm chủng đầy đủ.
Chile bắt đầu tiêm mũi nhắc lại cho những người được tiêm chủng đầy đủ. Các cơ quan y tế cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine Sinovac cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Ngày 15/9, bất chấp mối đe dọa do biến thể Delta gây ra, chính phủ Chile đã công bố các động thái mở cửa trở lại du lịch quốc tế từ ngày 1/10, đúng vào mùa Hè của quốc gia Nam bán cầu.
Người nước ngoài không có thẻ cư trú sẽ có thể nhập cảnh nếu họ đáp ứng các yêu cầu nhất định và cách ly trong 5 ngày.
Bộ trưởng Du lịch Chile José Luis Uriarte nói: "Du khách nước ngoài có thể đến Chile là một bước quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch. Đây là bước đầu tiên và chúng ta sẽ có thể tiếp tục có những bước tiến khác".
| 'Phủ sóng' vaccine để doanh nghiệp sống chung an toàn với Covid-19 Đại dịch giống như sóng thần, việc kéo dài khiến việc phong tỏa, cách ly quá nghiêm ngặt sẽ ảnh hưởng nặng nề tới doanh ... |
| Các quốc gia trên thế giới sống chung với Covid-19 thế nào? Israel, Hàn Quốc và Anh là những quốc gia đang thực hiện một phần trong chiến lược sống chung với Covid-19, tiến tới trở lại ... |