TIN LIÊN QUAN | |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi sổ tang, viếng Thượng nghị sĩ John McCain | |
Thống đốc bang Arizona sẽ chỉ định người kế nhiệm Thượng nghị sĩ John McCain |
“Sư tử đã đi rồi”
“Sư tử đã đi rồi. Những con sư tử của Thượng viện đã ra đi. Thật đáng buồn!”, New York Times dẫn lời Thượng nghị sĩ Collins.
TNS Mỹ John McCain là tượng đài lớn của chính trường Mỹ, người xuất hiện từ trong chiến tranh, cho tới những nỗ lực để thúc đẩy bình thường hóa hậu chiến và luôn giữ một tiếng nói độc lập ở chính trường Washington.
Dù phải chữa trị căn bệnh hiểm nghèo trong hơn một năm qua, ông vẫn xuất hiện đầy dấu ấn để bỏ phiếu lúc nửa đêm bác nỗ lực định xóa bỏ đạo luật y tế Obamacare của chính phe Cộng hòa hồi tháng Bảy năm ngoái. Mắt trái vẫn thâm với quầng đen và vết mổ dài trên mắt sau phẫu thuật, TNS McCain khi đó giơ ngón tay cái chĩa xuống, ra dấu hiệu ông bỏ phiếu chống đối với dự luật của Trump (bãi bỏ Obamacare và tăng phí bảo hiểm với hàng triệu người Mỹ).
John McCain trong một cuộc vận động ở North Carolina năm 2008. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Trump rất tức giận với lá phiếu này và thường xuyên chỉ trích cuộc bỏ phiếu đó dù không nêu trực tiếp tên TNS McCain. Ông trở thành kẻ phản bội đối với phe Cộng hòa nhưng lại là cứu tinh với hàng triệu người cần bảo hiểm y tế ở Mỹ.
Mẹ ông, Roberta McCain, là người truyền cảm hứng cho ông theo đuổi con đường chính trị. Sau khi giải nghệ khỏi Hải quân, ông thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện, từ 1983-1987, và sáu nhiệm kỳ ở Thượng viện Mỹ. TNS McCain là nghị sĩ của phe Cộng hòa nhưng trong cả sự nghiệp chính trị của mình đã rất nhiều lần thể hiện những quan điểm trung lập, sẵn sàng đưa ra những quyết định khác với quan điểm của lãnh đạo đảng Cộng hòa khi ông thấy cần.
Ông cũng hai lần ra tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng vào các năm 2000 và 2008 nhưng cả hai lần đều thất bại - lần đầu là thua trước George W. Bush trong cuộc đua sơ bộ phe Cộng hòa, lần hai là thất bại trước TNS Barack Obama của phe Dân chủ.
Trong cuộc chạy đua 2008, ông đã lựa chọn Sarah Palin, thống đốc bang Alaska khi đó, làm ứng viên phó tổng thống của mình. Đây được coi là quyết định gây tranh cãi và nhiều người coi đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của TNS McCain khi Palin bị coi là quá khiếm khuyết cho vị trí phó tổng thống. Trong hồi ký "The Restless Wave" của mình, TNS McCain vẫn bảo vệ việc Palin tranh cử nhưng thừa nhận ông hối tiếc khi không chọn TNS Joseph I. Lieberman, TNS Dân chủ sau chuyển thành độc lập, khi đó.
Mất mát lớn lao
"Chúng ta mất một người, mà bất kể tổng thống là ai, thì cũng vẫn tin vào vai trò giám sát và cân bằng của Thượng viện", Thượng nghị sĩ Susan Collins của phe Cộng hòa tại bang Maine, nói. "Đó là người khổng lồ thật sự tại Thượng viện, một hình bóng lớn và người tạo khác biệt không chỉ với chính sách mà trong cả khẳng định vai trò của Thượng viện như đã được Hiến pháp chỉ định".
Vợ của ông McCain - bà Cindy viết trên Twitter: "Trái tim tôi tan vỡ. Tôi quá may mắn khi được sống và yêu người đàn ông tuyệt vời này suốt 38 năm. Ông ra đi giống như cách ông vẫn sống: bằng lựa chọn của mình, ở nơi mà ông yêu nhất và xung quanh là những người yêu thương".
Chia buồn với người từng là đối thủ tranh cử của mình, cựu Tổng thống Obama nói dù ông và TNS McCain có "sự khác nhau hoàn toàn về gốc gác" và góc nhìn chính trị, cả hai cùng "trung thành với điều gì đó cao hơn - những lý tưởng mà người Mỹ và rất nhiều người nhập cư đã chiến đấu, tuần hành và hy sinh vì nó".
"Chúng tôi nhìn những cuộc chiến chính trị, dù là đặc quyền hay cái gì cao quý, như một cơ hội để phụng sự cho những lý tưởng cao hơn ở quê nhà và để thúc đẩy nó trên khắp thế giới", Tổng thống Obama nói.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ca ngợi ông McCain là người "luôn đặt phụng sự đất nước lên trên bản thân" và "đại diện cho điều ông tin tưởng, đó là “một mục tiêu chung không làm mất cái riêng của chúng ta - ngược lại, nó làm lớn hơn nhận thức về cái tôi của mình".
Tổng thống Donald Trump, người thường xuyên có những chỉ trích công khai với ông McCain, cũng tweet: "Tôi gửi sự cảm thông và kính trọng sâu sắc nhất tới gia đình TNS John McCain".
Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry (trái) tại buổi lễ khi Tổng thống Bill Clinton công bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tháng 7/1995. (Nguồn: AP) |
Vị trí rất đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ
Trái tim TNS John McCain đã ngừng đập. Trái tim và tấm lòng ấy đã giành được sự thương mến, quý trọng của nhiều người dân và các nhà ngoại giao Việt Nam.
Ông John McCain từng là một tù binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau khi trở về Mỹ và tham gia chính trường nước Mỹ, ông đã trở thành một trong những người thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Mỹ, và đã trở thành nhân tố quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Năm 1994, Thượng viện Mỹ đã thông qua giải pháp do John Kerry và John McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam, dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995.
Trên Facebook cá nhân, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh viết: “Vĩnh biệt TNS John McCain, người bạn chân thành của Việt Nam. Tôi được gặp ông lần đầu khi tham gia chủ trì tổ chức buổi Gala Dinner lịch sử tại Khách sạn Mayflower, Washington DC, năm 2005, khi ông và TNS Dân chủ John Kerry cùng đón tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Thủ tướng CHXHCN Việt Nam 30 năm sau chiến tranh kết thúc năm 1975. Lần cuối tôi được gặp ông tại Văn phòng của ông là 10 năm sau, vào năm 2015 khi tôi tháp tùng lúc đó là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi dự khoá đối thoại chính sách cao cấp VELP ở Harvard rồi thăm song phương Mỹ”.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Phạm Bình Đàm cũng chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Với tư cách là người bạn thì ông muốn tôi làm gì? (What do you want me to do as a friend). Nói với lãnh đạo Việt Nam mà không cần xã giao thưa gửi, không cần nghe lập luận như vậy, chỉ có thể là John McCain. R.I.P!”.
Còn nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2011-2014 Nguyễn Quốc Cường thì chia sẻ một status rất dài trên Facebook cá nhân, tỏ lòng mến mộ “tính cách thẳng thắn trong các bài phát biểu của ông McCain, không khoan nhượng, luôn đi vào thẳng vấn đề”.
Theo chia sẻ của ông Cường, trong hơn 3 năm làm Đại sứ tại Mỹ, ông đã có rất nhiều lần gặp gỡ TNS John McCain, khi tháp tùng các lãnh đạo Việt Nam và các cuộc gặp riêng để trao đổi về hàng loạt vấn đề, khi thì về Biển Đông, khi thì về các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, TPP…
Đương kim Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - Hà Kim Ngọc cho rằng, Thượng nghị sỹ John McCain là một nhân vật lịch sử và có thể nói ông là biểu tượng của quá trình hòa giải của quan hệ Việt - Mỹ.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại WDC, Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ: “Tôi còn nhớ là vào những thời khắc khó khăn nhất của quan hệ hai nước, khi mà vẫn còn những tiếng nói nghi kỵ, thậm chí là chống lại quan hệ Việt - Mỹ thì TNS John McCain và TNS John Kerry và các nghị sỹ khác đã đóng vai trò quyết định làm cho tiến trình bình thường hóa đó không thể đảo ngược được. Có thể nói gọn lại là TNS John McCain là người có công lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước và sau này khi chúng ta xác lập quan hệ đối tác toàn diện. TNS John McCain đã có một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ”.
Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ ông có nhiều kỷ niệm với Thượng nghị sỹ John McCain và sự ra đi của Thượng nghĩ sỹ là một mất mát lớn cho quan hệ giữa hai nước. “Thượng nghị sỹ John McCain còn là một người bạn của Việt Nam và đã giành được nhiều tình cảm của người dân Việt Nam ở nhiều cấp độ. Ông đã để lại một ấn tượng sâu sắc với những người đã từng tiếp xúc với ông từ cấp cao cho tới cánh phóng viên và người dân bình thường”.
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain qua đời ở tuổi 81 Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain vừa qua đời ở tuổi 81 sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư não. |
John McCain - Người đóng góp lớn cho quan hệ tốt đẹp Việt-Mỹ Sau một năm chiến đấu với căn bệnh ung thư não, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã từ trần ở tuổi 81, vào chiều ... |
Thượng nghị sĩ John McCain mắc ung thư não Thượng nghị sĩ John McCain vừa được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư não, theo CNN. |