📞

Juminkeko cầu nối văn hóa giữa Phần Lan và Việt Nam

14:00 | 29/04/2018
Juminkeko là Trung tâm Thông tin về văn hóa Karelia và sử thi dân tộc Kalevala của Phần Lan. Với cái tên và chức năng như vậy ít ai nghĩ rằng Juminkeko có những hoạt động liên quan đến Việt Nam. 

Thế nhưng ngay từ năm 1986, khi còn mang tên “Nhà văn hóa Kuhmo”, Juminkeko đã bắt đầu bén duyên với Việt Nam bằng việc khởi xướng dịch sử thi Kalevala của Phần Lan sang tiếng Việt và sau đó cùng với Quỹ Văn hóa Phần Lan tài trợ dịch và xuất bản Kalevala ở Việt Nam vào năm 1994. Sau khi đưa Kalevala đến với bạn đọc Việt Nam, năm 1995, Nhà văn hóa Kuhmo đã mở rộng thêm hoạt động văn hóa với Việt Nam bằng việc mời họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người minh họa Kalevala tiếng Việt sang thăm, triển lãm và sáng tác ở Phần Lan, sau đó tổ chức cho dịch giả và họa sĩ đi đến một số làng thơ ở Cộng hòa tự trị Karelia (Liên bang Nga). Đây là lần đầu tiên, một họa sĩ Việt Nam có triển lãm tranh ở Phần Lan.

Trung tâm Juminkeko tại Phần Lan.

Được biết Việt Nam có một Di sản văn hóa dân gian rất phong phú và hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng, năm 1997, Chủ tịch Nhà văn hóa Kuhmo, Markku Nieminen và Giám đốc điều hành Sirpa Nieminen đã sang Việt Nam và đi điền dã, sưu tầm thơ ca dân gian ở một số làng dân tộc Mường, Thái và H’Mông. Từ sáng kiến và gợi ý của Chủ tịch Markku Nieminen trong chuyến đi này, một dự án mới Biên soạn Kalevala tiếng Việt dành cho trẻ em đã được khởi xướng và hoàn thành cuối năm 1999 với sự tham gia của “Nhóm những người bạn Kalevala ở Việt Nam”. Nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, tác phẩm Cối xay thần Xampo, sử thi Kalevala được kể lại bằng văn xuôi tiếng Việt dành cho trẻ em với hơn 5.000 bản in đã được trao tặng miễn phí cho thư viện của 64 tỉnh, thành, nhà văn hóa trong cả nước. Năm 1999, nhân dịp khai trương tòa nhà mới của mình, Juminkeko đã mời họa sĩ Lương Xuân Đoàn sang Phần Lan sáng tác và khai mạc triển lãm đầu tiên tại trụ sở mới của Quỹ.

Không chỉ đem văn hóa truyền thống của Phần Lan đến với Việt Nam, Juminkeko còn đưa văn hóa Việt Nam đến Phần Lan. Sự hợp tác về văn hóa với Việt Nam của Juminkeko được nâng lên một tầm cao mới với dự án Biên soạn Sử thi Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của Kalevala do Juminkeko chủ trì, được Bộ Ngoại giao Phần Lan và Juminkeko cấp kinh phí chính thức đi vào thực hiện từ năm 2002. Sau 6 năm tiến hành cả ở Phần Lan và Việt Nam, năm 2008 dự án được hoàn thành với việc xuất bản tác phẩm sử thi Con cháu Mon Mân do dịch giả Bùi Việt Hoa biên soạn dựa trên nguồn tư liệu văn học dân gian của nhiều dân tộc ở Việt Nam và họa sĩ Đặng Thu Hương minh họa. Để chuẩn bị cho việc minh họa sử thi này, năm 2005 Juminkeko đã tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ Đặng Thu Hương và nhà điêu khắc Hungary, Ildiko Bakos minh họa tác phẩm thơ ca dân gian Phần Lan Tiếng đàn Kantele (được Bùi Việt Hoa dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Phần Lan năm 1990) tại Budapest (Hungary), Kuhmo (Phần Lan) và sau đó là tại Hà Nội. Phía Phần Lan đánh giá rất cao sự ra đời của sử thi Con cháu Mon Mân. Trong bài phát biểu tại buổi chiêu đãi của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dành cho đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Phần Lan thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2008, Tổng thống Phần Lan, Tarja Halonen đã nhận xét rằng: công trình này “là một hình mẫu cho sự hợp tác có hiệu quả về văn hóa giữa Phần Lan và Việt Nam”.

Chủ tịch Juminkeko-Markku Nieminen Lê Lam cùng các họa sĩ Việt Nam: Lương Xuân Đoàn, Đặng Thu Hương và dịch giả Bùi Việt Hoa tại lễ khai mạc Triển lãm “Thần thoại Việt Nam” ở Kuhmo (Phần Lan) tháng 6/2013. (Ảnh: Juminkeko)

Sự phong phú và đa dạng về văn hóa dân gian của Việt Nam tiếp tục được Juminkeko quan tâm và khai thác trong những dự án tiếp theo. Năm 2011 với sự tài trợ của Juminkeko, một đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân gian Việt Nam đã đến Phần Lan tham dự Liên hoan âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo lần thứ tư. Lần đầu tiên âm nhạc dân gian của một số dân tộc ít người Việt Nam được giới thiệu tới người dân Phần Lan, trong đó đáng chú ý nhất là diễn xướng Mo Mường của nghệ nhân Mường Bùi Văn Lựng.

Từ những hoạt động rất có hiệu quả với Việt Nam, năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Phần Lan và Việt Nam, Juminkeko đã được Bộ Ngoại giao Phần Lan hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án “Đưa thần thoại vào cuộc sống”. Với dự án này, một chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng của Phần Lan đã đến làm việc ở Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng của Học viện tại Hà Nội vào tháng 5/2013. Triển lãm hội họa Thần thoại Việt Nam với sự tham gia của 8 họa sĩ Việt Nam, trong đó có 4 họa sĩ người dân tộc thiểu số, được tổ chức ở Phần Lan từ tháng 6 – 10/2013 tại Kuhmo và Helsinki. Ngoài ra, Juminkeko còn mời một đoàn nghệ sĩ thuộc khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và Đoàn nghệ nhân Cồng chiêng dân tộc Mường sang tham gia Liên hoan âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo lần thứ tám ở Phần Lan tháng 7/2013.

Năm 2013, Juminkeko còn được Bộ Ngoại giao Phần Lan hỗ trợ thực hiện một dự án khác cùng với Việt Nam mang tên “Nhịp cầu văn hóa Phần Lan-Việt Nam”. Dự án này kéo dài 3 năm (2013-2015) với các hoạt động giao lưu giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân gian, và các cán bộ nghiên cứu văn hóa dân gian của Phần Lan và Việt Nam. Với dự án này các giảng viên và nghệ sĩ của Phần Lan đã sang tham dự Lễ hội Đền Hùng (2013), Festival Âm nhạc Huế (2014) và thăm, trao đổi kinh nghiệm âm nhạc dân gian với khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (2015). Về phía Việt Nam, theo chương trình của dự án này một đoàn nghệ nhân dân gian hát kể sử thi của dân tộc Ê Đê và một đoàn nghệ nhân dân gian Bahnar và Ja Rai đã sang biểu diễn ở Phần Lan năm 2014 và năm 2015. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu như: giáo sư Tô Ngọc Thanh, giáo sư Lê Hồng Lý, nhạc sĩ Lê Xuân Hoa, tiến sĩ Kiều Trung Sơn, thạc sĩ Nguyễn Đức Thao đã sang tham dự các hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu văn hóa và âm nhạc dân gian ở Phần Lan.

Nhằm vận dụng kinh nghiệm lưu trữ của mình vào việc góp phần lưu dữ vốn văn hóa dân gian truyền thống của Việt Nam, năm 2016 Juminkeko có kế hoạch hợp tác cùng với Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện số hóa ngân hàng dự liệu sử thi các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và xây dựng một trang mạng về di sản văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Rất đáng tiếc, vì điều kiện kinh phí mà cho đến nay dự án chưa chính thức được thực hiện.

Với những gì đã làm được trong hơn ba chục năm qua, Juminkeko xứng đáng là cầu nối văn hóa giữa Phần Lan và Việt Nam. Những đóng góp của Juminkeko đã được đánh giá cao với việc năm 2015 Bộ Văn hóa và Thể thao Việt Nam đã trao tặng Chủ tịch Juminkeko, nhà văn Markku Nieminen kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa” nhân 30 năm thành lập Juminkeko (1985-2015).