Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành từ khi bùng phát làn sóng Covid-19 thứ nhất (năm 2020) tuy đã phát huy những tác dụng nhưng thực tế vẫn chưa tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng DN.
4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44,2 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỷ đồng. (Nguồn: CT) |
Liều thuốc “cấp cứu”
Chưa kịp mừng với những tính hiệu tích cực về tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển DN thì sự bùng phát của dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 đến nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo những bất lợi trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44,2 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% về số DN và 41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, cũng đã có 51,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Trước bối cảnh đó, ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế theo Nghị định 52 ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.
Đây là lần thứ 3 Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, mà theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà thì Nghị định 52 sẽ giúp các DN có thêm nguồn lực vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Rõ ràng, các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ đã động viên tinh thần đối với cộng đồng DN, thể hiện một thông điệp tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng DN.
Với chính sách này, các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, tăng sức cạnh tranh bởi dòng tiền thay vì nộp vào ngân sách nhà nước thì trước mắt chưa phải nộp mà DN có thể sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, mà không phải đi vay và trả lãi vay.
Đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ DN trong thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, các gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất... đã phần nào "cấp cứu" và vực đỡ không ít DN Việt vượt qua khó khăn của đại dịch.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với TG&VN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh dịch vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp, khó lường, việc đồng bộ hóa các giải pháp với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là cần thiết. Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp DN có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.
Cũng theo ông Phong, các chính sách hỗ trợ trên đều phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và xu hướng hiện hành chung trên thế giới.
Thuốc đã đủ, đúng và trúng?
Về tác dụng có các gói hỗ trợ của Chính phủ, Chủ tịch VCCI cho rằng, chưa thể thấy rõ sự thẩm thấu và hiệu quả chính sách được phát huy trong đời sống thực tiễn của DN khi có đến khoảng 80% DN tham gia khảo sát của VCCI phản ánh đã không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần thứ nhất của Chính phủ?
Hay như đối với gói hỗ trợ tín dụng của ngành ngân hàng cũng cho thấy còn nhiều bất cập ở khâu thực thi, khi DN muốn tiếp cận phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn gồm: lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ.
Với các thủ tục này, "nhóm DN vừa và nhỏ là nhóm cần hỗ trợ nhất nhưng cũng là nhóm khó tiếp cận chính sách", ông Lộc nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, qua tìm hiểu thông tin của các DN và hiệp hội, các gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra chưa đến được tay nhiều DN và hộ gia đình, nguyên nhân là do tiêu chuẩn còn quá cao, không sát thực tiễn và chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu của các DN.
Điển hình như gói cho vay để trả lương có giá trị 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, được Ngân hàng Nhà nước triển khai từ tháng 5/2020, nhưng mãi đến tháng 7/2020 vẫn chưa DN nào được vay, vì tiêu chuẩn đưa ra quá cao.
TS. Minh Phong cũng chia sẻ, so với quy mô tài chính, phương thức, giải pháp và đối tượng các gói hỗ trợ DN, người dân của chính phủ nhiều nước chống dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, thì các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn và chưa đa dạng bằng…
Cũng theo ông Phong, sẽ là không đủ nếu DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không nhận được thêm những giải pháp thiết thực khác, như giảm lãi suất cho vay và linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng. Các quy trình và giá cả dịch vụ quản lý dịch vụ công phải bảo đảm sự thuận lợi và tiết giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa thông suốt cả giữa các thị trường trong nước với nước ngoài, cả giữa các tỉnh có dịch với các địa phương giáp ranh…
TS. Minh Phong đưa ra dẫn chứng, theo kết quả điều tra PCI 2020 do VCCI công bố ngày 16/4 cho thấy những cứ liệu đáng quan ngại, khi mà còn 1/4 trong tổng số gần 12.300 DN tư nhân và FDI phản hồi khảo sát cho rằng địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; 1/3 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN FDI.
Ngoài ra, gần 45% DN phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN vẫn còn bị nhũng nhiễu. Đặc biệt, chỉ có 41% DN cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm% so với năm 2019.
Bởi vậy, chuyên gia này nhấn mạnh, thực tế đòi hỏi cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho các DN.
Trước thực tế thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, các chính sách hỗ trợ nên đúng nhu cầu, đúng địa chỉ, đủ mạnh và mang tính dài hạn hơn giúp cộng đồng DN tăng khả năng chống chịu với những khó khăn đang dần hiện hữu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): Dịch Covid-19 khiến cho ngành dệt may thiếu đơn hàng, ảnh hưởng 30% công nhân ngành thiếu việc trong tháng 4 và 70% lao động còn lại chỉ làm việc khoảng 60% công suất; có hàng trăm nghìn lao động bị thiếu hoặc mất việc làm. Giải pháp hiện nay các DN mong đợi từ Chính phủ là miễn thuế thu nhập DN với các DN nhỏ và vừa, chịu tác động mạnh do dịch bệnh; hoãn và giảm nộp thuế trong năm 2021 tạo điều kiện phục hồi phục sản xuất, trang trải những khó khăn về tài chính. Đặc biệt, có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi... Các giải pháp này cần sớm được thực hiện để hỗ trợ kịp thời DN. |
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng với tỷ lệ giảm từ 0,1-0,3%/năm là quá ít nên cũng không hỗ trợ nhiều DN. Mặt khác các gói hỗ trợ cho người lao động vẫn còn vướng nhiều thủ tục nên các đối tượng được hưởng tại DN chưa nhiều. Một trong những vấn đề khiến các DN vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19. Đây là lúc họ cần sự “tiếp sức” của Nhà nước hơn lúc nào hết. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các DN vận tải đường bộ có được bước đệm tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi. Vì vậy, nhiều DN mong được các ngân hàng thương mại giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của DN như các gói hỗ trợ mà năm 2020 Chính phủ đã triển khai. |