📞

Kế hoạch cải cách kinh tế của Pháp nhận tín hiệu tích cực

13:42 | 03/08/2017
Những kế hoạch cải cách kinh tế đầy tham vọng của Tổng thống Pháp Emanuel Macron nhận được tín hiệu tích cực khi các nghị sĩ tại hai viện Quốc hội Pháp đạt được đồng thuận về kế hoạch cải cách luật lao động trong phiên họp ngày 31/7.

Việc Quốc hội Pháp đồng thuận về kế hoạch cải cách luật lao động – một trong những công việc được ông Macron ưu tiên hàng đầu ngay sau khi nhậm chức - được coi là sẽ mở đường cho kế hoạch cải cách kinh tế sâu rộng của Tổng thống Pháp được thực thi.

Nhiều hy vọng mới

Dự luật cải cách lao động tập trung vào 3 nội dung chính: đảm bảo sự hài hòa giữa các "thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành nghề", "đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động", "đảm bảo mối quan hệ trong công việc" giữa các tác nhân nói trên.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron đã cam kết thúc đẩy cải cách sâu rộng đất nước với trọng tâm hướng đến là Luật lao động, Luật chống khủng bố và đạo đức hóa đời sống chính trị. (Nguồn: AP)

Dự luật cũng bao bồm các quy định cụ thể về điều kiện lao động tại cơ sở tư nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công cùng những quy định về các mức trần bồi thường đối với các chủ lao động trong trường hợp họ sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, ngay khi được đưa ra hồi năm 2016, Dự luật này đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp. Những người phản đối cho rằng dự luật mới đã đi quá xa, quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động. Họ cho rằng, dự luật trên khiến cho các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho sự sa thải người lao động.

Ðây là một sự thu hẹp quyền lợi và thụt lùi về tiến bộ xã hội, khiến chủ doanh nghiệp có thể lạm dụng, còn người lao động luôn sống trong tình trạng bấp bênh.

Song việc các nghị sỹ tại hai viện Quốc hội Pháp đạt được đồng thuận về dự luật cải cách lao động hôm 31/7 sẽ mở đường để Quốc hội Pháp bỏ phiếu thông qua dự luật này, dự kiến là trong vài ngày tới, trước khi dự luật được ký ban hành và chính thức có hiệu lực vào tháng 9/2017.

Kế hoạch đầy tham vọng

Ngay từ khi lên nhậm chức, trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang dần cải thiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Tổng thống Macron đã cam kết thúc đẩy cải cách sâu rộng đất nước với trọng tâm hướng đến là Luật lao động, Luật chống khủng bố và đạo đức hóa đời sống chính trị.

Trong số những vấn đề cải cách được đề ra, Tổng thống Macron muốn coi cải cách Luật Lao động là một ưu tiên. Đánh giá về chương trình cải cách kinh tế của Tổng thống Macron, các cố vấn của ông cũng như nhiều chuyên gia kinh tế độc lập đều cho rằng nó phù hợp để giải quyết gốc rễ những vấn đề trong nền kinh tế Pháp.

Thực tế, nước Pháp có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn các nước láng giềng, doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, trong khi cánh cửa gia nhập thị trường lao động lại quá hẹp đối với người thất nghiệp và những người nhập cư, do những quy định xã hội quá cứng nhắc.

Một nhà máy sản xuất giày tại Pháp. (Nguồn: Reuters)

Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Macron đã cam kết tiến hành cải cách bộ luật lao động bằng các sắc lệnh nhằm "cởi trói" cho thị trường lao động và coi đây là chìa khóa để giải quyết bài toán thất nghiệp. Ông Macron cam kết sửa đổi các quy định trong bộ luật lao động và giảm bớt sự chi phối của Nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Theo đó, các chủ lao động sẽ được phép thương lượng trực tiếp với các nhân viên về các điều kiện lao động.

Ngoài ra, Tổng thống Pháp cũng hướng đến mục tiêu giải quyết các bất đồng hiện tại giữa chính phủ và các nghiệp đoàn nước này, đặc biệt trong việc xác định mức trần đền bù việc sa thải trái luật và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động. Ông Macron cũng hướng tới mục tiêu hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp từ mức 9,3% hiện nay xuống 7% vào năm 2022.

 

Để đạt được điều này, người đứng đầu nước Pháp đã cam kết thiết lập cơ chế đầu tư công trị giá 50 tỷ Euro (55,89 tỷ USD) nhằm cải thiện đào tạo, tài trợ cho chuyển đổi năng lượng và hiện đại hóa các dịch vụ hành chính của Pháp - được dự đoán sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân.

Ngoài việc tiến hành cải cách bộ luật lao động, từ tháng 9/2017, Chính phủ Pháp sẽ hướng sang một vấn đề gai góc khác là cải cách hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ sẽ cần một khoảng thời gian để thảo luận, tham vấn trước khi công bố dự luật vào đầu năm 2018.

Song song với cải cách kể trên, chính phủ cũng sẽ xây dựng lại nền tảng cho quá trình đào tạo và học nghề. Cuối cùng, việc đổi mới hệ thống lương hưu sẽ được bắt đầu vào năm 2018, với mục đích làm cho hệ thống này trở nên "minh bạch và công bằng hơn".

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đang cân nhắc việc cắt giảm biên chế trong các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức, phân cấp quản lý và tạo sự dịch chuyển dễ dàng các vị trí trong bộ máy công quyền. Để triển khai việc cắt giảm này, ông Macron đề xuất thực hiện chương trình đổi mới bộ máy Nhà nước, trong đó sẽ ưu tiên cho những công việc cọ xát với thực tế, phát huy các sáng kiến và khả năng sáng tạo của công chức

Một hướng cải cách khác được Tổng thống Macron đề xuất là áp dụng kỹ thuật số trong dịch vụ công, với mục tiêu 100% các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Internet vào năm 2022 (trừ việc cấp phát lần đầu các giấy tờ tùy thân chính thức).

Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số cũng được xem là câu trả lời cho sự ùn ứ hồ sơ tại các cơ quan pháp lý, cho phép "phi vật chất hóa" tất cả các thủ tục liên quan đến các vụ tranh chấp nhỏ (có số tiền tranh chấp dưới 4.000 Euro). Việc này cũng giúp phân bổ lại nhân viên để đảm nhiệm các hồ sơ quan trọng, thúc đẩy công việc mà không cần tuyển dụng thêm.

Đánh giá về chính sách cải cách kinh tế của Tổng thống Macron, nhiều nhà phân tích cho rằng, chính sách cải cách kinh tế của ông Macron được đánh giá là hài hòa hơn so với những người tiền nhiệm nhằm tránh những xung đột không đáng có.

(theo TTXVN)