Các công ty công nghệ Trung Quốc tìm cách thu hút chuyên gia trí tuệ nhân tạo. (Nguồn: Reuters) |
Theo phân tích của truyền thông nước ngoài như New York Times, Trung Quốc chiếm vị trí dẫn đầu về số lượng nhân tài AI. Nền kinh tế thứ hai thế giới đang nỗ lực tạo ra “vườn ươm” và “hồ chứa” cho sự phát triển của nhân tài AI, tích lũy các yếu tố sáng tạo để phát triển công nghiệp trong tương lai.
Nuôi dưỡng nhân tài
Báo cáo của McCropolo Think Tank đã nghiên cứu con đường phát triển của những nhân tài AI hàng đầu thế giới từ các trường đại học, cao đẳng đến tiến sĩ.
Năm 2019, mới chỉ có 29% nhân tài hàng đầu thế giới tốt nghiệp đại học đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, “số lượng đã tăng lên đáng kể”, tờ New York Times mới đây đưa tin. Theo đó, con số những nhân tài hàng đầu ở Mỹ, các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc gần đây đã chiếm tới 38%, Mỹ chiếm 37%. Dựa trên một số chỉ số chính, Trung Quốc đã trở thành nơi có nguồn cung lớn về nhân tài trong lĩnh vực này.
“Trung Quốc đã trở thành một quốc gia quan trọng trong việc bồi dưỡng tài năng AI”, Tạp chí Công nghệ MIT đánh giá Trung Quốc đã trở thành một phần quan trọng của nguồn cung nhân tài trí tuệ nhân tạo toàn cầu trong những năm gần đây và tỷ lệ các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu vẫn tiếp tục tăng.
Trang web tin tức kinh tế Hàn Quốc EToday đưa tin Trung Quốc đã đạt những kết quả đáng chú ý trong bồi dưỡng nhân tài AI và số lượng nhân tài hàng đầu trong nghiên cứu AI đã tăng lên nhanh chóng.
Đầu tư nhiều vào giáo dục
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục kỹ thuật số và bồi dưỡng những tài năng xuất chúng trong lĩnh vực AI. Kể từ khi Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành "Kế hoạch hành động đổi mới AI cho các trường cao đẳng và đại học" vào năm 2018, nhiều trường đại học Trung Quốc đã thành lập các trường cao đẳng về AI hoặc viện nghiên cứu AI để tăng cường đầu tư vào các ngành liên quan.
Theo "Kết quả đăng ký và phê duyệt chuyên ngành đại học ở các trường đại học tổng hợp" do Bộ Giáo dục ban hành, chuyên ngành AI đã trở thành hướng phổ biến ở các trường đại học Trung Quốc những năm gần đây. New York Times phân tích, kể từ năm 2018, Trung Quốc bổ sung hơn 2.000 chuyên ngành tại các trường đại học liên quan đến AI, trong đó có hơn 300 chuyên ngành được thành lập tại các trường đại học nổi tiếng.
Trong 3 năm liên tiếp từ năm 2020-2023, AI được đánh giá là chuyên ngành phổ biến nhất tại các trường đại học Trung Quốc.
Các địa phương của Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động tạo điều kiện cho các tài năng và đổi mới khoa học.
Ủy ban Giáo dục Thành phố Bắc Kinh nêu rõ rằng vào tháng 9 năm nay, các trường cao đẳng và đại học công lập của Bắc Kinh sẽ dẫn đầu trong phạm vi bao phủ các khóa học tổng quát về AI.
Năm 2022, Ủy ban Kinh tế và công nghệ thông tin thành phố Thượng Hải đề xuất phấn đấu có 300.000 nhân tài ở Thượng Hải vào năm 2025.
Ngoài Bắc Kinh và Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và các nơi khác cũng đã ban hành các văn bản chính sách xoay quanh việc phát triển và xây dựng trí tuệ nhân tạo, đồng thời nỗ lực bồi dưỡng những tài năng sáng tạo.
Công ty tình báo thị trường Mỹ IDC công bố dữ liệu dự báo cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này sẽ đạt 38,1 tỷ USD vào năm 2027, gấp khoảng ba lần so với năm 2022. Trong số đó, chính quyền địa phương Trung Quốc đặc biệt quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực liên quan và tích cực hưởng ứng lời kêu gọi ươm mầm nhân tài.
Theo dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho biết, từ năm 2014 đến năm 2023, tổng số đơn xin cấp bằng sáng chế công nghệ liên quan đến AI đã vượt quá 50.000, trong đó, Trung Quốc đã chiếm hơn 38.000 đơn, đặc biệt về lái xe tự động và quản lý tập tin. Những ứng viên hàng đầu đến từ các công ty công nghệ như ByteDance và Alibaba.
MIT Technology Review dẫn lời phân tích từ một nhà nghiên cứu tại Mike Robolo Think Tank cho biết, trong vài năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang ngày càng trở thành trụ cột của ngành công nghệ tiên tiến này.
Yếu tố then chốt của đổi mới công nghiệp
Theo Nikkei Asian Review, các công ty công nghệ lớn, công ty khởi nghiệp, công ty tài chính.... của Trung Quốc đều đang cố gắng hết sức để giành được các nhân tài xuất sắc cho mình. Dự kiến, lĩnh vực AI của nước này sẽ có nhu cầu đến hàng triệu người và vẫn có dư địa rộng lớn trong đào tạo.
Kế hoạch của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, đến năm 2030, các trường đại học Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng các trung tâm đổi mới AI lớn của thế giới và các tài năng sẽ đưa Trung Quốc lên vị trí hàng đầu trong nhóm các quốc gia công nghệ.
New York Times đánh giá rằng tài năng AI là yếu tố then chốt của đổi mới công nghiệp trong tương lai. Việc bồi dưỡng nhân tài có liên quan đến khả năng đổi mới và năng suất công nghiệp, định hình khả năng cạnh tranh khoa học và công nghệ của đất nước. Báo cáo nêu rõ “Trung Quốc có lợi thế hàng đầu trong việc đào tạo thế hệ nhà khoa học mới”.
“Trung Quốc đã đào tạo một số lượng đáng kể các nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới và ngày càng nhiều nhân tài lựa chọn làm việc trong ngành này ở trong nước”. Lực lượng này hứa hẹn nâng cao sức mạnh đổi mới khoa học và công nghệ và giúp Trung Quốc duy trì vị trí dẫn đầu trong cạnh tranh khoa học và công nghệ toàn cầu.