Tập đoàn Intel có thể mở nhà máy sản xuất chip ở Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Một loạt các nhà máy công nghệ cao ở Mỹ sẽ được định hình lại ngay tại chính nước Mỹ, đánh dấu bước ngoặt sau nhiều thập kỷ mở rộng sang châu Á. Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng về việc bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi sự gián đoạn, trong đó việc giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu từ bên ngoài là mục tiêu hàng đầu.
Thúc đẩy cơ hội hợp tác mới
Hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ đang hợp tác rất tốt với Công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (chiếm 1,11% sản lượng toàn cầu) và là một trong ba công ty có khả năng thiết kế chip với tốc độ nhanh nhất, tiên tiến nhất. Dựa trên mối quan hệ đó, Chính quyền Tổng thống Trump đang thúc đẩy dự án liên doanh giữa Intel Corp (INTC), công ty bán dẫn lớn nhất Mỹ và TSMC để xây dựng các nhà máy ở Mỹ.
Phó Chủ tịch Intel Corp Greg Slater khẳng định: “Đây là một cơ hội tốt cho cả hai bên. Nhu cầu về chip công nghệ cao ngày càng tăng trên thị trường, và được áp dụng trong mọi lĩnh vực cuộc sống”. Ông Greg Slater cũng tiết lộ kế hoạch Intel sẽ vận hành các cơ sở sản xuất có thể cung cấp đủ linh kiện tiên tiến một cách bảo mật cho cả Chính phủ và các khách hàng khác.
Về phía TSMC, đã có nhiều cuộc thảo luận với các quan chức tại Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như Apple Inc., một trong những khách hàng lớn nhất của họ, về việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Mỹ. Ngoài ra, công ty này cũng có kế hoạch mở rộng nhà máy ở nước ngoài, không chỉ ở Mỹ.
Một số quan chức Mỹ cũng quan tâm đến việc cố gắng giúp Samsung Electronics Co., công ty đã điều hành một nhà máy sản xuất chip ở Austin, Texas, để mở rộng hoạt động tại Mỹ nhằm sản xuất chip với những công nghệ cao hơn.
“Chính quyền cam kết đảm bảo sự phát triển về công nghệ của Mỹ, mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các đối tác nhà nước, địa phương và tư nhân cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở nước ngoài, để hợp tác nghiên cứu và phát triển sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, cũng như tạo cơ hội phát triển lực lượng lao động cho người dân Mỹ”, một quan chức cao cấp cho biết.
Chuỗi sản xuất công nghệ cao của riêng Mỹ
Intel và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã gửi thư trao đổi về dự án tạo ra một chuỗi sản xuất công nghệ cao của riêng nước Mỹ, đặc biệt phục vụ cho Lầu Năm Góc trong những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng. Nhiệm vụ này là rất quan trọng với Mỹ khi hiện tại họ đang phụ thuộc vào các vi mạch công nghệ cao đến từ Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc, do đó Mỹ cần tăng cường chính sách công nghiệp để tránh những phiền phức không cần thiết trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ, bao gồm Qualcomm Inc., Nvidia Corp, Broadcom Inc., Xilinx Inc. và Advanced Micro Devices Inc. đều phải dựa vào TSMC để sản xuất các sản phẩm tiên tiến nhất của họ, do chỉ có TSMC và phần nào đó là Samsung của Hàn Quốc có thể sản xuất được loại chip 10 Nanomet hoặc bé hơn (thực chất Intel cũng có thể làm được loại chip này nhưng kỹ thuật chưa cao, khả năng tích hợp thấp và tốc độ xử lý chưa nhanh).
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Mike Andrews, phát biểu: “Bộ Quốc phòng đang theo dõi chặt chẽ phương hướng sản xuất công nghệ cao trong nước thời gian tới. Vi mạch chắc chắn là một trong những chương trình quốc phòng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống và quốc gia”.
Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ đang tiến hành nghiên cứu và dự kiến sẽ đệ trình lên Chính phủ Mỹ chi hàng chục tỷ USD cho một quỹ mới nhằm thúc đẩy đầu tư sản xuất chip trong nước. Họ coi đây là nền tảng cho khả năng phục hồi kinh tế và an ninh quốc gia. Trung Quốc và các nước khác cũng đang triển khai tốt việc này, do đó Mỹ cũng cần phải nhanh chân hơn nữa, nếu không muốn sự phụ thuộc sẽ làm họ tụt hậu.
Một đề xuất khác do SEMI, một tập đoàn công nghiệp đại diện cho các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn, đưa ra liên quan đến việc Chính phủ Mỹ ưu đãi về thuế cho các nhà sản xuất chip khi họ mua và lắp đặt thiết bị tại các nhà máy ở Mỹ, đồng thời sẽ phải có sự hợp tác công tư để phát triển ngành công nghiệp này.
Các cơ quan quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đều đang tập trung phối hợp xem xét đề xuất này của SEMI. Các nhà đầu tư chip đã nghĩ đến việc xây dựng các nhà máy sản xuất từ lâu khi chi phí bỏ ra cho các công ty nước ngoài lên đến 10 tỷ USD, một con số phí phạm nếu có thể làm được ở trong nước. Và Covid-19 càng thúc đẩy họ phải triển khai nhanh dự án.
Trong khi đó, nhìn sang các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và Israel, Chính phủ đã rót tiền một cách hào phóng hỗ trợ tài chính để phát triển sản xuất trong nước, trả tiền cho các doanh nghiệp chế tạo những sản phẩm tiên tiến. Ví dụ, tháng 10/2019, Trung Quốc đã thành lập một quỹ trị giá 29 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp.
Song song với những nỗ lực để tăng tốc ngành công nghiệp sản xuất chip, Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang hướng tới việc giảm phụ thuộc từ Trung Quốc trong ngành này. Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã công bố những thay đổi đối với Quy định quản lý xuất khẩu (EAR) liên quan đến hạn chế xuất khẩu những mặt hàng được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn, viễn thông, điện tử tiêu dùng và hàng không vũ trụ.
Một thay đổi quy tắc khác liên quan đến việc loại bỏ các ngoại lệ về giấy phép dân sự cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc và công dân Trung Quốc. Các ngoại lệ vốn được áp dụng cho một số mạch tích hợp, thiết bị viễn thông, radar, máy tính cao cấp và các mặt hàng khác.
Bộ Thương mại cũng đang xem xét một quy tắc nhằm cắt đứt sự hợp tác giữa "gã khổng lồ" công nghệ Huawei với TSMC, một đón chí mạng vào Chính quyền Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc cũng không ngồi yên chịu trận khi cảnh báo các công ty Mỹ rằng, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả ở thị trường Trung Quốc nếu các hạn chế của Mỹ làm cản trở sự phát triển những lĩnh vực kinh tế quan trọng của Trung Quốc.