Tại buổi họp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Thị Lệ Thanh đã thông báo kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự kiến lễ tôn vinh này sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 31/01/2015 với chủ đề “Về miền Ví, Giặm” tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Tp Vinh, Nghệ An.
Theo bà Đinh Thị Lệ Thanh, bên cạnh phần nghi lễ trang trọng, Ban tổ chức mong muốn sẽ mang đến một chương trình nghệ thuật trả lời câu hỏi vì sao dân ca Ví, Giặm được UNESCO. Ngoài ra, thông qua đó, chương trình còn kết nối các miền di sản, khơi dậy tình yêu dành cho các di sản của người dân Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên khẳng định, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có những đặc điểm hết sức nổi bật được UNESCO đánh giá rất cao. Là người trực tiếp tham dự kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, dân ca ví giặm của Việt Nam được 100% thành viên Hội đồng Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO bỏ phiếu đồng ý vinh danh.
Để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trải qua một quá trình bảo tồn và phát triển lâu dài. Từ năm 1996, Ngành Văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian hai tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình triển khai chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình với sự tham gia giảng dạy của nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa dân ca vào trường học, nhất là các trường phổ thông cơ sở; xây dựng phong trào hát dân ca rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.
Hiện trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có gần 100 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp đã quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ, các Sở cùng nhiều chuyên gia, nghệ nhân đã bàn luận về giá trị và đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Trong kế hoạch năm 2015, 30-40% tổng số xã trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có câu lạc bộ dân ca ví giặm để truyền dạy. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ mở rộng, phát triển chương trình giảng dạy trong trường phổ thông và trên phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các ấn phẩm, băng đĩa... để quảng bá.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm kê, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dân ca Ví, Giặm và có kế hoạch, chính sách đãi ngội nghệ nhân phù hợp…
P.T