Những sản phẩm này sử dụng kem làm thành phần chính, với một lượng nhỏ thành phần thảo dược được bổ sung để tăng hương vị.
Kem vị thuốc Đông y tại Thượng Hải. (Nguồn: Global Times) |
Sự kết mới độc đáo này dựa trên nguyên tắc y học cổ truyền Trung Quốc rằng "thực phẩm và thuốc có cùng nguồn gốc".
Hiện tại, kem Đông y đã gây sốt trên mạng xã hội, thu hút hơn 50 triệu lượt xem và 10.000 bình luận trên Sina Weibo.
Loại kem này nằm trong xu thế gần đây tại Trung Quốc khi thuốc Đông y được đưa vào thực phẩm hiện đại, trong bối cảnh thế hệ trẻ ngày càng coi trọng sức khỏe.
Theo Tân Hoa xã, năm 2021, những người trong độ tuổi từ 18-35 dẫn đầu xu hướng chi tiêu cho sức khỏe, chiếm 83,7% thị trường. Thuốc Đông y đang tạo dấu ấn của mình trong thế giới ẩm thực.
Một bệnh viện ở thành phố Trùng Khánh đã sản xuất trà sữa, bánh ngọt và kẹo tẩm thảo dược. Tại Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), có một quán cà phê đang kinh doanh nhiều loại cà phê thảo dược.
Một bệnh viện ở Thiên Tân, Bắc Trung Quốc thậm chí đã mở tiệm bánh chuyên bán các loại bánh mì nướng lá sen và bánh mì mềm ejiao (cao da lừa) …
Bác sĩ khoa Y học cổ truyền tại một bệnh viện ở Quảng Châu - bà Yi Lan, nhận định với tờ Global Times rằng trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã chú trọng đáng kể vào phát triển ngành y học cổ truyền, đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khác nhau để hỗ trợ đổi mới và tăng trưởng của ngành.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người muốn khám phá trải nghiệm mới và độc đáo.
Ví dụ, suanmeitang (nước mận chua) đã thịnh hành từ Hè năm 2023. Theo truyền thống, suanmeitang được pha chế với táo gai, cam thảo và đường phèn.
Thức uống truyền thống này nổi tiếng với hương vị thơm ngon và làm giảm kiệt sức vì nóng, kích thích thèm ăn. Trên mạng xã hội, nhiều người dùng đã đăng video về trải nghiệm mua suanmeitang tại các cửa hàng thuốc Đông y.