📞

Kém tiếng Anh, người Việt có thể thua ngay trên "sân nhà"

08:33 | 23/04/2017
“Công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là hai công cụ như hai chân của một công dân toàn cầu. Nếu bị thọt thì công dân ấy đi lại đã khó, nói gì đến tiến lên, cạnh tranh bình đẳng với thế giới”.

Đó là quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung (Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) với báo TG&VN nhân ngày tiếng Anh (23/4).

Giáo sư nhận định gì về trình độ tiếng Anh của người Việt Nam hiện nay?

Trước hết, tôi muốn nói rõ rằng đã nhận trả lời cuộc phỏng vấn này với tư cách một người đã cố gắng tự học tiếng Anh nhưng đến nay khi đã già vẫn còn kém tiếng Anh. Có thể cũng chính vì thế mà tôi tự rút ra được bài học đắt giá xung quanh câu chuyện học tiếng Anh.

Thế hệ già như chúng tôi, nói chung trình độ tiếng Anh kém. Vì học tản mạn nhiều ngoại ngữ khác, do yêu cầu và hoàn cảnh tức thời. Có thứ tiếng tốt như tiếng Hungary thì nay ít dùng. Tiếng Anh rất cần thì lại không tốt.

Nhưng hiện nay thế hệ trẻ của ta, dù học trong hay ngoài nước, nhiều em khá, giỏi tiếng Anh. Có được như vậy là nhờ các em nhanh nhạy, thông minh, nhờ đất nước mở cửa, nhờ chủ trương của Nhà nước, của Bộ GD&ĐT, sự đầu tư của gia đình, xã hội và cơ hội học tập.

Để hội nhập quốc tế, không còn cách nào khác chúng ta phải giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là rào cản không nhỏ trong tốc độ hội nhập quốc tế. Từ thực trạng đó, có những bài học gì trong việc đào tạo tiếng Anh cho nước ta, thưa GS?

Nhà nước có chiến lược rõ ràng cho tiếng Anh: Xem đó là quốc sách, tiếng Anh là ngoại ngữ số 1, bắt buộc, là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt. Các ngoại ngữ khác, từ thứ 2 trở đi để tự chọn, tùy theo yêu cầu của công việc và cuộc sống. Tiếng Việt, Toán và tiếng Anh luôn là tam giác kiến thức nền tảng cho mọi công dân Việt Nam.

Dạy, học và sử dụng tiếng Anh càng sớm càng tốt, ngay từ tiểu học, thậm chí từ mầm non như nhiều nước đã làm thành công. Khi các em còn nhỏ thì vừa học vừa chơi bằng tiếng Anh, cố gắng không làm cho các em quá tải. Ở độ tuổi này, bộ não tinh khôi và tuyệt vời của các em "dính" tiếng Anh và máy tính nhanh chóng. Tôi nghĩ không sợ tiếng Anh "lấn" tiếng Việt của các em.

Các cụ ta ngày trước học, giỏi và thành thạo tiếng Pháp nhờ các bài khóa, câu chuyện bằng tiếng Pháp, về già vẫn còn làu làu tiếng Pháp như tiếng Việt. Từ kinh nghiệm đó, càng lên lớp trên chúng ta càng dạy tiếng Anh sâu hơn, gắn với thực hành bằng công cụ nghe, nhìn, cố gắng gắn với chuyên môn nhiều nhất có thể. Lên đại học và sau đại học rất cần gia tăng các bài giảng và hội thảo bằng tiếng Anh. 

Luôn học và dạy bài bản tiếng Anh ngay từ đầu, ngay từ vỡ lòng, nhất là phát âm cho đúng. Đã là sự học, nhất là học ngoại ngữ và tiếng Anh, thì tự học với lòng say mê có vai trò vô cùng quan trọng. Học mọi nơi mọi lúc, tranh thủ học qua giao tiếp, không sợ nói sai lúc ban đầu.

Giáo sư Trần Văn Nhung. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với các quốc gia ASEAN, trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đứng sau Singapore, Malaysia, Philippines và Brunei. Đội ngũ nhân sự đến từ các quốc gia trên sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếng Anh tốt và phong cách làm việc quốc tế. Thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam, nếu không trang bị cho mình vốn tiếng Anh tốt, nhiều bạn trẻ có khả năng thua trên “sân nhà”. Giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Rất đúng! Thực sự là trình độ tiếng Anh của Việt Nam đứng sau các nước đó. Vì họ nguyên là thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng đậm của Anh. Đồng thời, hơn nửa thế kỷ qua, họ tiếp tục xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ và dùng phổ biến trong nhà trường, công sở và toàn xã hội.

Hơn nửa thế kỷ qua, trong nhà trường của ta dạy nhiều thứ tiếng như Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức,... Nếu đem so sánh trong ASEAN thì các thứ tiếng khác, trừ tiếng Anh, ta có thể khá hơn. Nhưng oái oăm là bây giờ cả thế giới giao lưu và làm việc với nhau chủ yếu bằng tiếng Anh. Với hơn 800 triệu người trên thế giới sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ hoặc thành thạo như tiếng mẹ đẻ. Đó là chưa kẻ mấy tỉ máy tính, máy điện thoại thông minh với các phần mềm bằng tiếng Anh, chỉ biết "nói và nghe" tiếng Anh. Đại đa số các ấn phẩm văn hóa, khoa học, các phương tiện thông tin, truyền thông trên thế giới ngày nay đều sử dụng tiếng Anh.

Tôi đã vận dụng một ý tưởng cũ rồi mạo muội bổ sung thêm để thành một "công thức" làm người trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như sau: Sức khỏe tốt (A) + Bộ óc tốt (B)+ Trái tim nhân hậu (C) + Kỹ năng sống tốt (D) + Tiếng Anh (E)+ Công nghệ thông tin (F) = Con người lý tưởng (G).

Để không thua trên "sân nhà" và ở bất cứ đâu trên hành tinh này, các bạn trẻ Việt Nam phải rèn luyện cho đủ các yếu tố A, B, C, D, E, F, đặc biệt là tiếng Anh (E) và kỹ năng sống, làm việc quốc tế (D).

Theo tôi, muốn hội nhập quốc tế và làm việc hiệu quả, bình đẳng với thế giới thì phải có văn hóa hội nhập, từ tiếng Anh, tin học cơ bản cho đến những kỹ năng giao tiếp có văn hóa…

Thực trạng tiếng Anh ở Việt Nam đã thực sự tốt? (Nguồn: FPT)

Bất cập từ trình độ tiếng Anh khiến lao động Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, bởi các cơ sở đào tạo và người học ở nước ta chưa thực sự quan tâm đầu tư cho ngôn ngữ quan trọng này? Phải chăng đây cũng là rào cản làm cho nhân sự nước ta thiếu tự tin trên tiến trình hội nhập?

Đúng vậy. Ba yếu tố D, E, F là tổng hợp những kỹ năng cơ bản và cũng đủ cho một công dân toàn cầu, một người lao động thời nay. Thiếu đi một kỹ năng nào là yếu kém đi và thua thiệt ở mặt đó. Tôi nghe nói vì tiếng Anh yếu, nên lương của một lao động của ta tại Malaysia chỉ bằng 1/3 của người Philippines.

Đề nghị Nhà nước, các bộ, ngành liên quan và các cơ sở đào tạo để xuất khẩu lao động ra nước ngoài tăng cường đào tạo, trang bị cho công nhân của ta thêm các kỹ năng D, E, F nói trên, đặc biệt là E (tiếng Anh). Chúng ta cần cố gắng thêm để các mặt hàng xuất khẩu và lực lượng lao động xuất khẩu ngày càng bớt "thô", để tăng hiệu quả và thu nhập quốc gia.

Được biết Giáo sư đã từng viết tâm thư ngỏ gửi Bộ Chính trị về quốc sách cho tiếng Anh?

Bộ Chính trị đã có Chỉ thị năm 2000 về công nghệ thông tin (CNTT). Đến nay CNTT Việt Nam đã phát triển rất nhanh, đã tăng lực cho từng tế bào của nền kinh tế và xã hội.

Với mong muốn sớm có một chỉ thị tương tự của Bộ Chính trị để tiếng Anh trở thành quốc sách, cùng với toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội vào cuộc, không chỉ ngành giáo dục cố gắng, ngày 19/5/2015 tôi đã gửi một bức tâm thư cho Bộ Chính trị về việc này.

Chúng ta đã được đọc, được nghe nhiều người Việt Nam và người nước ngoài nói về tầm quan trọng của tiếng Anh đối với mỗi một con người và mỗi đất nước. Khi nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, chúng ta không quên các ngoại ngữ khác. Vì ẩn sâu phía sau mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa và biết thêm được một ngôn ngữ như mở thêm được một cửa sổ ra vườn hoa đầy hương sắc bên ngoài.

UNESCO cũng luôn chủ trương tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ. Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta.

Ông Lý Quang Diệu đã từng được Chính phủ Việt Nam mời làm cố vấn. Ông còn cảnh báo, nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu".

Chúng ta đều biết, công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là hai công cụ như hai chân của một công dân toàn cầu. Nếu bị thọt thì công dân ấy đi lại đã khó, nói gì đến tiến lên, cạnh tranh bình đẳng với thế giới.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!