Cụ thể, EU đã cáo buộc các doanh nghiệp nói trên “thông đồng” ấn định giá và "né" phí do quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Ủy viên châu Âu phụ trách chính sách cạnh tranh Margrethe Vestager cho biết EU bắt đầu tiến hành điều tra vào năm 2011, sau khi hãng MAN của Đức, cũng nằm trong danh sách các công ty có liên quan, chủ động tiết lộ cho Ủy ban châu Âu về sự cấu kết này.
Xe tải của hãng Volvo/Renault. (Nguồn: Dreamstime) |
Các cuộc điều tra của EU đều cho thấy các nhà quản lý cấp cao của 5 nhà sản xuất ô tô gồm hãng Volvo/Renault của Thụy Điển, Iveco của Italy, DAF của Hà Lan cùng hai hãng ô tô của Đức là MAN và Daimler đã gặp nhau vào năm 1997 và cùng nhau lập kế hoạch ấn định giá các dòng xe tải trong suốt 14 năm.
Ngoài hành vi liên kết ấn định giá, các công ty trên còn bị cáo buộc đã có thỏa thuận ngầm về việc chậm trễ và sau đó "né" các chi phí trong việc áp dụng những công nghệ khí thải tiên tiến để hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Cứ 10 chiếc xe tải hạng nặng và hạng trung bán trên thị trường EU thì có 9 chiếc là do một trong năm hãng xe kể trên sản xuất, bởi vậy vụ cấu kết này ảnh hưởng mạnh tới thị trường khu vực.
Daimler là doanh nghiệp phải chịu mức phạt lớn nhất với 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD), tiếp theo là hãng DAF với mức phạt trên 750 triệu Euro (827,3 triệu USD). 670 triệu Euro (741 triệu USD) và 494 triệu Euro (546 triệu USD) là các mức phạt dành cho Volvo/Renault và Iveco.
Hãng MAN được miễn phạt 1,2 tỷ Euro (1,33 tỷ USD) vì đã chủ động tố giác hành vi trên. Trong khi đó, công ty thứ 6 được cho cũng liên quan đến vụ việc là Scania của Thụy Điển đã không chấp nhận án phạt trên của EU và hiện các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.