Theo giới quan sát, khu vực Đông Nam Á chào đón sự tham gia ngày càng sâu rộng của EU với nhiều lợi ích kinh tế quy chuẩn cao. Ảnh minh họa. (Nguồn: asiatimes) |
Sau 45 năm, quan hệ ASEAN-EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực như chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển.
Hiện hai bên đang phối hợp thực hiện Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU giai đoạn 2023-2027, đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN-EU (Phnom Penh, ngày 4/8).
2022 - Dấu mốc đặc biệt và những đòn bẩy quan trọng
Những ngày này, trong dòng chảy thông tin về sự kiện Hội nghị cấp cao ASEAN-EU chuẩn bị được tổ chức vào ngày 14/12 tại thủ đô Brussels, Bỉ, giới truyền thông quốc tế nhấn mạnh tới “lần đầu tiên có sự góp mặt đầy đủ lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và EU”.
Thông thường, các cuộc họp giữa ASEAN và EU, về phía ASEAN chỉ có sự tham dự của quốc gia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm diễn ra hội nghị. Tuy nhiên, 2022 là năm đặc biệt, kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-EU (1977-2022).
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU cũng rất đặc biệt khi là lần đầu tiên, sự kiện kỷ niệm quan hệ được tổ chức tại EU (hai lần trước tại Singapore, năm 2007 và Philippines, năm 2017), kể từ khi thiết lập quan hệ Đối thoại vào năm 1977 và nhất là sau khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020.
Sau sự kiện kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, Lãnh đạo cấp cao hai bên dự kiến sẽ ra Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh các thành quả quan trọng đạt được trong 45 năm quan hệ ASEAN-EU và khẳng định các định hướng thúc đẩy quan hệ phát triển trong thời gian tới.
Đây cũng là thời điểm rất đặc biệt, khi các bên cùng bước vào giai đoạn mới hậu đại dịch, sau những hợp tác thành công-phối hợp ứng phó, kiểm soát, góp phần đẩy lùi Covid-19, hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.
EU cam kết triển khai gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá 800 triệu Euro hỗ trợ khu vực ASEAN ứng phó Covid-19 và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch; bổ sung “Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch” trị giá 20 triệu Euro, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực y tế và điều phối ứng phó dịch bệnh tại khu vực, kết nối toàn diện với các sáng kiến phát triển của ASEAN, như khuôn khổ kết nối phục hồi toàn diện của ASEAN.
EU còn là một trong những đối tác hợp tác phát triển hàng đầu của ASEAN, là nhà tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực giảm nghèo và hội nhập khu vực, tăng cường kết nối thông qua các chương trình hợp tác phát triển khác nhau, trên cả ba trụ cột hợp tác khu vực.
Cùng chung nhận định tích cực với nhiều kỳ vọng về quan hệ ASEAN-EU, giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, một loạt gói hỗ trợ hội nhập của EU, gần đây nhất là Chương trình Hỗ trợ hội nhập ASEAN (ARISE Plus) là một ví dụ cho thấy, cả hai bên đều nhấn mạnh lợi ích trong việc hình thành nên các quy tắc toàn cầu về kinh tế và môi trường, tiếp cận bền vững thông qua các tuyến đường mở trên biển, trên bộ và trên không với sự tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế.
Quan hệ ASEAN-EU hiện nay còn có những đòn bẩy rất quan trọng, đặc biệt nhất là Chương trình Cổng toàn cầu của EU tại ASEAN hứa hẹn sẽ thu về 300 tỷ Euro cho các khoản đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng với sự tập hợp các tổ chức tài chính và phát triển của EU.
Điển hình trong đó là Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), nhiều chính sách khích lệ áp dụng cho khu vực tư nhân để khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Song hành với đó, EU coi trọng hỗ trợ thiết lập tiêu chuẩn, tạo thuận lợi thương mại và các lĩnh vực khác để giúp loại bỏ các rào cản phi thuế quan.
Trong chuyến công du Đông Nam Á tại Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia mới đây, Cao ủy EU về quản lý và ngân sách Johannes Hahn đánh giá, mối quan hệ ASEAN-EU đã phát triển theo cấp số nhân trong 45 năm qua, đặc biệt là quan hệ thương mại và chính trị, với việc cả hai khu vực đều thống nhất nhiều vấn đề quan trọng của thế giới, bao gồm chú trọng giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.
Tăng gấp đôi khả năng kết nối và hội nhập
Trong nhiều năm trở lại đây, EU “khẳng định” là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của ASEAN. Năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Trung Quốc và Mỹ) của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2020 và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai (sau Mỹ) của ASEAN với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD, theo số liệu của ASEAN.
Theo số liệu của EU, năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ ba (sau Trung Quốc và Mỹ) của EU.
Trong hợp tác kinh tế, EU hiện hỗ trợ ASEAN thông qua hai chương trình chủ đạo là (i) Chương trình hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực tăng cường của EU (ARISE Plus) và (ii) Đối thoại chính sách khu vực EU-ASEAN nâng cao (E-READI). Các chương trình này nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế toàn diện và hội nhập kinh tế cho khu vực ASEAN, tạo thuận lợi cho đối thoại chính sách về chính trị, kinh tế và xã hội, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tăng cường năng lực đa lĩnh vực cho các nước thành viên ASEAN và Ban thư ký ASEAN…
Từ nhiều năm qua, ASEAN và EU đã thảo luận về khả năng thiết lập FTA giữa ASEAN và EU. Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) - Cao ủy Thương mại EU lần thứ 18 (Phnom Penh, 18/9/2022) đã nhất trí thúc đẩy trao đổi giữa hai bên, nhằm xác định các lĩnh vực hợp tác cụ thể cùng quan tâm như phát triển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, kinh tế số, công nghệ xanh và dịch vụ xanh… cùng hình thức triển khai phù hợp để xây dựng định hướng phát triển hợp tác kinh tế thương mại mới giữa ASEAN và EU, trong khi vẫn duy trì mục tiêu dài hạn về thiết lập FTA ASEAN-EU. Tại hội nghị này, hai bên đã thông qua Chương trình công tác thương mại và đầu tư giai đoạn 2022-2023.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 28 (Bali, 17/10/2022), hai bên đã ký kết Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU (ASEAN-EU CATA), là hiệp định vận tải hàng không đầu tiên giữa hai tổ chức khu vực trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho các hãng hàng không của ASEAN và EU trong khai thác dịch vụ hành khách và vận tải hàng hóa giữa hai khu vực, góp phần thúc đẩy kết nối người dân và các nền kinh tế ASEAN và EU, tích cực đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.
EU và ASEAN được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác nên cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hướng tới mục tiêu chung là đạt được thương mại tự do hoàn toàn trong khu vực.
Giới phân tích cho rằng, một đòn bẩy quan trọng bậc nhất của quan hệ ASEAN-EU hiện nay là Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU đang khơi gợi rất nhiều kỳ vọng và là mục tiêu trọng yếu để các bên nỗ lực hơn nữa tiến tới đàm phán. Trong đó, chính sách của EU là xây dựng các khối hợp tác cho FTA ASEAN-EU theo hướng toàn diện.
Trên thực tế, EU đã có FTA song phương với Singapore và Việt Nam, đồng thời đang đàm phán với Indonesia, Thái Lan và Philippines để có thêm những nền tảng phát triển mới.
Thông thường, FTA sẽ mất rất nhiều thời gian đàm phán, có thể lên tới hàng thập kỷ. Với chiến lược hiện hành của EU trong việc kết nối châu Á-châu Âu, dù những biến động mạnh của thế giới thời gian qua đã ít nhiều gây ảnh hưởng tới tiến trình này, song, nhu cầu thực tế đang cho thấy, cần thiết phải tăng gấp đôi khả năng kết nối và hội nhập giữa hai châu lục với trung tâm là ASEAN và EU. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hiệu quả việc phục hồi kinh tế mạnh mẽ của cả hai bên sau hơn hai năm chịu nhiều ảnh hưởng của các biến động toàn cầu.
Đánh giá về tương lai hợp tác EU-ASEAN, Cao ủy Johannes Hahn cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng trong quan hệ hợp tác là việc EU công nhận và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong Chiến lược hợp tác của EU ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
EU cũng cam kết bảo vệ vị trí trung tâm và ủng hộ tiến trình hội nhập của ASEAN.
Đó cũng là lý do mà giới quan sát nhận định, khu vực Đông Nam Á chào đón sự tham gia ngày càng sâu rộng của EU với nhiều lợi ích kinh tế quy chuẩn cao, đáp ứng xu thế phát triển bền vững, củng cố môi trường, pháp luật, thể chế...
Do đó, trong thời gian tới, qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, EU sẽ là một trong những đối tác đáng tin cậy để hợp tác thúc đẩy các mục tiêu của ASEAN dựa trên cơ sở tăng cường lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
| Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm châu Âu: Hướng đến kết quả thực chất trong hợp tác với EU, Bỉ và Luxembourg Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU và thăm chính thức Bỉ, Luxembourg, Hà Lan (8-15/12), Đại sứ ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự buổi ăn trưa làm việc với các Đại sứ EU tại Việt Nam Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị EU tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN-EU, thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao. |
| Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU Tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan ... |
| Đối tác chiến lược ASEAN-EU: Từ sự kiện 'mang tính lịch sử' đến hành trình khai phá tiềm năng vô hạn Hành trình hợp tác 45 năm là nền tảng vững chắc để quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU tiến xa hơn nữa, bất chấp ... |