📞

Kết nối triệu con tim nhân đạo trên nền tảng số

Vân Chi 18:00 | 01/10/2020
TGVN. Ngày 1/10, tại Hà Nội, đã diễn ra chương trình 'Kết nối triệu con tim' phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thực hiện nghi thức nhấn nút ra mắt các nền tảng số mới. (Ảnh: Thanh Tùng)

Thông điệp “Kết nối triệu con tim” là chủ điểm hoạt động của Đề án Hệ tri thức Việt số hoá năm 2020, kêu gọi mọi người, bằng tấm lòng, tham gia đóng góp vật chất, trí tuệ và công sức thông qua nền tảng số iNhandao để triển khai các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống; giúp đất nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid -19, từ đó lan tỏa những giá trị nhân đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vì cộng đồng, phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Hệ tri thức Việt số hóa là Đề án không có tiền ngân sách, được triển khai với mong muốn tạo nên một nền tảng để chia sẻ tri thức, cổ vũ sáng tạo, kết nối cộng đồng và hướng tới tương lai. Đây là đề án có mục đích vì cộng đồng, vì tương lai của tất cả người Việt Nam, không của riêng ai. Do đó, Đề án chỉ có thể thành công khi tất cả mọi người cùng tham gia, với tấm lòng của người Việt Nam yêu nước, yêu dân tộc, tự hào dân tộc.

Nói về thông điệp “Kết nối triệu trái tim”, Phó Thủ tướng dẫn lại lý giải của những người trẻ tham gia chương trình: trước hết là cần một tấm lòng. Nếu một tấm lòng muốn làm việc tốt thì người đó tự khắc tìm tòi ra được giải pháp. Nếu 1 triệu trái tim, 1 triệu tấm lòng kết nối sẽ ra được 1 triệu khối óc và nhất định sẽ có nhiều giải pháp. Và với 1 triệu tấm lòng, 1 triệu khối óc, sẽ ra 1 triệu bàn tay để có thể làm được. “Tôi rất mong rằng tinh thần này tiếp tục được lan tỏa”, Phó Thủ tướng nói.

Nền tảng nhân đạo số iNhandao cùng với bản đồ số Vmap là 2 nền tảng số đầu tiên được Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cho ra mắt cách đây tròn 1 năm, đã được cộng đồng đón nhận và từng bước ứng dụng trong thực tiễn.

Trong giai đoạn 2 của dự án, nền tảng iNhandao được xây dựng theo mô hình mạng xã hội, khuyến khích người dùng chia sẻ, cập nhật thông tin địa chỉ nhân đạo và các chiến dịch nhân đạo, dù ở bất cứ đâu và ở bất cứ thời điểm nào. Cụ thể, để giới thiệu địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp và tham gia trợ giúp, mỗi cá nhân có thể truy cập vào địa chỉ: http://inhandao.vn và thực hiện các bước theo hướng dẫn.

Hệ thống xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông tin đầy đủ và chính xác về những trường hợp cần trợ giúp và chiến dịch nhân đạo. Việc này nhằm đảm bảo việc trợ giúp đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, minh bạch, rõ ràng; tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội; phát triển ứng dụng kết nối, điều phối công tác nhân đạo trên cả nền tảng web và điện thoại di động.

Trong chương trình, 3 nền tảng số mới đã được cho ra mắt gồm: bản đồ chung sống an toàn Covid (AntoanCovid.vn), nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn) và đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn).

Trong đó, iGiaoduc.vn là sản phẩm hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các đối tác tài trợ, hỗ trợ với mục tiêu tạo ra nền tảng Kho học liệu số trực tuyến để thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong nhà trường. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.

Dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng E-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cùng gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.

Hệ thống cũng tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; đã cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng.

Bản đồ chung sống an toàn Covid (AntoanCovid.vn) gồm các tiện ích trên nền tảng bản đồ số Vmap.vn để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.

Hằng ngày, những đơn vị này sẽ kiểm tra và cam kết hoàn thành các tác vụ (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) về phòng chống dịch, đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện điểm chưa đúng. Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng AntoanCovid hàng ngày, thường kỳ để bảo đảm việc giám sát điều kiện an toàn Covid được thực hiện liên tục, minh bạch.

Dự án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn) do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai trên nền tảng mã nguồn mở. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự đóng góp của toàn dân để tạo ra kho tri thức tinh hoa trên môi trường số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì sự phát triển xã hội số, quốc gia số.

Cũng tại chương trình, thông qua nền tảng Nhân đạo số (iNhandao.vn), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức phát động Chiến dịch “Kết nối tương lai”, quyên góp máy tính bảng, điện thoại thông minh cũ còn sử dụng được để giúp đỡ học sinh miền núi ở Phú Thọ và Yên Bái. Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 1/10/2020 và kéo dài đến hết ngày 31/12/2020.