Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020 tại Davos, Thụy Sĩ. (Nguồn: Bloomberg) |
Tuy nhiên, những kết quả tích cực của thỏa thuận vẫn mới chỉ ở trên giấy và trong tương lai, trong khi thiệt hại “bầm dập” do cuộc chiến thương mại giữa hai bên sẽ tiếp tục kéo dài chưa thấy điểm dừng.
Thuế quan vẫn là một chính sách tự hào
Đối với Tổng thống Trump, thuế quan vẫn là một chính sách tự hào khi ông khẳng định “Những thành tựu này sẽ không thể đạt được nếu không thực hiện các biện pháp thuế quan mà chúng ta đã phải sử dụng và chúng ta cũng đang sử dụng chúng với các nước khác”. Tổng thống Trump cũng cho biết, đó cũng chính là lý do tại sao các mức thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì trong giai đoạn hai của cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.
Thỏa thuận giai đoạn một đã giúp chấm dứt cuộc chiến thuế quan leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với việc Trung Quốc cam kết tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và chấm dứt việc ép buộc các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, với các mức thuế cao vẫn đang được áp dụng, dù Trung Quốc có cam kết tăng cường mua hàng hóa cũng như dịch vụ của Mỹ, thì điều này dường như cũng không thể nào bù được những thiệt hại.
Theo chương 6 của thỏa thuận, Trung Quốc cam kết tăng mua đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Thỏa thuận đặt ra các mục tiêu nhập khẩu cụ thể, yêu cầu Trung Quốc tăng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ là 76,7 tỷ USD vào năm 2020 và 123,3 tỷ USD năm 2021, cao hơn mức của năm 2017.
Tuy nhiên, căn cứ theo xu hướng gần đây trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dường như các mục tiêu nhập khẩu đó không thực tế. Năm 2017, trước khi chính quyền Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thuế quan, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc đạt 186,3 tỷ USD. Cuộc chiến thương mại và việc trả đũa không thể tránh khỏi của Trung Quốc đã khiến con số trên giảm gần 20 tỷ USD trong năm 2019, do đó xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc không phải cần tăng hơn so với năm 2017 mà là xuất phát từ mức thấp hơn của năm 2019.
Như vậy, điều đó sẽ đòi hỏi một mức tăng chưa từng có, hơn 50% chỉ trong năm đầu tiên. Những yêu cầu như vậy là điều tồi tệ nhất của “quản lý thương mại” chứ không phải là cách tiếp cận thương mại tự do, khôi phục lại cách tiếp cận mà các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đồng ý từ bỏ trong Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay năm 1994.
Bằng cách yêu cầu Trung Quốc đáp ứng các mục tiêu mua hàng cụ thể, thỏa thuận tạo điều kiện cho các sản phẩm của Mỹ nhưng bị cho là vi phạm nguyên tắc cốt lõi của việc không phân biệt đối xử đã làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu kể từ những năm 1940. Chính vì vậy, thỏa thuận có thể sẽ gặp phải thách thức từ các thành viên WTO khác.
Việc tăng mua đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Mỹ không thể thực hiện được qua các kênh cung - cầu thông thường. Thay vào đó, nó sẽ đòi hỏi sự can thiệp nhiều hơn nữa của Chính phủ Trung Quốc vào hoạt động của các nhà sản xuất trong nước, cả tư nhân và chính phủ. Điều này sẽ đẩy Trung Quốc đi theo hướng hoàn toàn ngược lại với nền kinh tế định hướng thị trường hơn mà chính quyền Trump tuyên bố họ muốn Trung Quốc áp dụng.
Lợi thì có lợi nhưng…
Dù đạt được thỏa thuận giai đoạn một, nhưng các mức thuế mà Mỹ đáp dụng đối với 360 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các mức thuế của Trung Quốc đối với hơn một nửa hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc vẫn đang làm nền kinh tế Mỹ tổn thương.
Nạn nhân chính của cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động chính là nông dân Mỹ, họ mất hàng tỷ USD do thuế quan trả đũa. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều nghiên cứu, trong đó có hai nghiên cứu mới được công bố trong tháng này của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia cho thấy, thuế quan đã làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và xuất khẩu của Mỹ và khiến tổng giá trị thương mại và Tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Mỹ giảm so với thời điểm chưa áp đặt thuế quan. Thuế quan cũng không giúp giảm nhiều thâm hụt thương mại của Mỹ.
Nạn nhân chính của cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động chính là những nông dân Mỹ, khi họ mất hàng tỷ USD hàng nhập khẩu do thuế quan trả đũa.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất của Mỹ cũng phải đối mặt với suy thoái vì chi phí cao hơn, gián đoạn thương mại và sự bất ổn toàn cầu. Hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ cũng phải chịu các mức giá cao hơn vì hầu như toàn bộ chi phí thuế quan cuối cùng đã bị chuyển vào giá hàng hóa mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc thực sự tạo ra lợi ích tiềm năng cho một số công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, nhưng chi phí mà các gia đình, người nông dân và nhà sản xuất Mỹ đang phải gánh chịu là rất lớn mà không có sự trợ giúp.