Okryu Gwan là nhà hàng đã cung cấp món mỳ lạnh truyền thống kiểu Triều Tiên trong bữa tiệc giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 3 tháng sau cuộc hội đàm lịch sử, Okryu Gwan giờ luôn có một hàng dài khách nước ngoài chờ đợi thưởng thức món mỳ lạnh mỗi ngày.
Sau thành công của hội đàm liên Triều hồi tháng Tư những chuyến du lịch Bình Nhưỡng giờ trở thành một lựa chọn hấp dẫn với không ít du khách nước ngoài. Nhờ đó, những thắng cảnh nổi bật, những nhà hàng truyền thống, những di tích lịch sử Triều Tiên bắt đầu hái ra tiền.
Du khách đổ xô tới Triều Tiên
Nhà hàng Okryu Gwan, thành lập từ năm 1960, có sức chứa đủ lớn để phục vụ cùng lúc 2.000 khách. Những tuần qua, nơi đây gần như quá tải khi đón tiếp tới khoảng 6.000 lượt khách mỗi ngày. Món ăn được đặt nhiều nhất chính là mỳ lạnh.
"Mỳ lạnh Bình Nhưỡng giờ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới và được biết tới như biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng", Myong Ye-hua, một người phục vụ tại Okryu Gwan, nói với SCMP.
Du khách đổ xô tới nhà hàng Okryu Gwan tại thủ đô Bình Nhưỡng. (Nguồn: Getty Images) |
Tại thủ đô Triều Tiên, mỳ lạnh được ăn cùng với thịt bò, thịt gà, thịt lợn, vài lát dưa chuột, kim chi và một quả trứng luộc. Là món ăn dễ chế biến và cũng phổ biến nhất tại Bình Nhưỡng, nhưng những ngày này, đôi khi nguồn cung món mỳ lạnh không đáp ứng được nhu cầu khổng lồ từ các du khách nước ngoài.
Triều Tiên đã cho thấy nước này nắm bắt thị hiếu của du khách nước ngoài nhanh tới mức nào. Tại Bình Nhưỡng, chính quyền vừa nâng cấp con tàu hạng sang Taedonggang và nó trở thành một nhà hàng nổi chạy dọc sông Taedong, con sông chính xuyên suốt thành phố.
Dài 70m, với tải trọng 820 tấn, con tàu có 7 phòng ăn lớn chứa được hơn 1.000 du khách. Từ Taedonggang, người ta có thể vừa ăn tối, vừa chiêm ngưỡng những thắng cảnh nổi bật nhất của Bình Nhưỡng như đôi tượng của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, cũng như khách sạn Ryugyong cao tới 300m nổi tiếng.
Tất nhiên, cái giá cho một bữa tối trên con tàu Taedonggang cũng không hề rẻ. Để có một bữa tối thi vị trên sông Taedong, người ta phải trả từ 300 - 500 USD tùy vào đồ ăn và vị trí bàn ăn.
"Nhiều du khách nghĩ họ nhất định phải thử trải nghiệm trên con tàu này khi tới Triều Tiên. Đây là nơi rất thu hút người nước ngoài", Cha Su-jong, một nữ phục vụ trên tàu Taedonggang, nói. Theo SCMP, khi phóng viên hãng thông tấn này tới thăm con tàu hôm 28/7, có 384 du khách lựa chọn Taedonggang là nơi thưởng thức bữa tối, trong đó 350 du khách là người nước ngoài.
Món mỳ lạnh được du khách nước ngoài ưa chuộng khi tới Triều Tiên. (Nguồn: Hindu Times) |
Đe dọa cơ hội phi hạt nhân hóa
Hôm 27/7, hơn 12.000 sinh viên đã tập trung tại quảng trường Kim Nhật Thành, ca hát và nhảy múa kỷ niệm 65 năm ngày ký kết hiệp định đình chiến, chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Hầu hết người đi đường dừng lại và chiêm ngưỡng màn biểu diễn khổng lồ là du khách quốc tế. Không ít người thậm chí tham gia màn vũ đạo cùng các sinh viên Triều Tiên với sự hào hứng và ngưỡng mộ.
"Vài tháng qua, số du khách nước ngoài đã tăng đột biến. Nhiều nhất là từ Trung Quốc và Nga", một hướng dẫn viên tại Vườn thú Trung tâm ở Bình Nhưỡng cho biết.
Trước đây, số du khách Trung Quốc tới Triều Tiên dừng lại ở con số 100 người mỗi ngày. Nhưng từ tháng 5, con số này tăng lên 1.000 người trùng với thời điểm đánh dấu sự cải thiện trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Một lý do khác lý giải cho sự tăng trưởng đột biến của du khách tìm tới Triều Tiên là do sự thay đổi lớn về không khí chính trị tại Đông Bắc Á. Sau cuộc hội đàm liên Triều hôm 27/4, ông Kim tiếp tục gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/6, giúp hạ nhiệt rất nhiều lo ngại về một cuộc xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Du khách Trung Quốc tới Triều Tiên tăng cao đột biến từ tháng Năm. (Nguồn: Reuters) |
Triều Tiên kỳ vọng đón khoảng 2 triệu du khách nước ngoài vào năm 2020, thậm chí từ cả các nước công dân vốn đã bị yêu cầu không du lịch tới Triều Tiên như Nhật Bản.
Dòng du khách quốc tế đổ tới Triều Tiên cũng đồng nghĩa với dòng ngoại tệ sẽ chảy vào ngân sách quốc gia này, trong bối cảnh Bình Nhưỡng lao đao vì các lệnh cấm vận quốc tế nghiêm ngặt suốt nhiều năm qua.
"Triều Tiên đang hưởng lợi khi quan hệ với các láng giềng cải thiện. Bình Nhưỡng lại có thể thu hút ngoại tệ, đồng nghĩa với ngân sách cho chương trình hạt nhân được bổ sung. Điều này có thể đe dọa tới khả năng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", Yun Chun, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Seoul, nhận xét.
Các chuyên gia quốc tế có lý do để lo ngại. Vài tuần qua, các cuộc đàm phán thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington đang lâm vào bế tắc. Tiến triển duy nhất trong cải thiện quan hệ Mỹ - Triều tới lúc này là việc Bình Nhưỡng trao trả hài cốt 55 binh sĩ Mỹ về cho Washington.
"Những hy vọng và lạc quan đang dần tiêu tan. Triều Tiên trở lại với phong cách đàm phán khó lường và kéo dài thời gian như những gì họ từng làm trong quá khứ. Điều này là một thử thách cho sự kiên nhẫn và sáng suốt của Tổng thống Trump", bà Yun Chun đánh giá.