Đoàn Chủ tịch Đại hội. |
Chủ đề chính của Đại hội XII là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Tham dự Đại hội XII có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trên cả nước. Trong đó, đại biểu đương nhiên là 197 người, có 13 đại biểu chỉ định, đại biểu được bầu tại đại hội đảng bộ trực thuộc trung ương là 1.300 người. Trong tổng số đại biểu, có 173 ủy viên trung ương chính thức và 24 ủy viên dự khuyết. Đại biểu nữ có 194 người, 174 người dân tộc thiểu số, 10 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động. Đại biểu là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú có 20 người, 15 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và 1 đại biểu là Nghệ sĩ ưu tú. Đại biểu là Giáo sư, Phó giáo sư có 55 người trong đó có 2 Viện sĩ. Tiến sĩ là 241 người, thạc sĩ là 511 người.
Tới dự phiên khai mạc trọng thể có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI trở về trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ.
Dự khai mạc Đại hội XII còn có các vị Đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài tới đưa tin về Đại hội.
Đoàn Chủ tịch Đại hội. |
Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên khai mạc. |
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên khai mạc.
Trong không khí phấn khởi, trang trọng, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đọc Diễn văn khai mạc Đại hội.
Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Đại hội XII tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới. Đại hội XII cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đọc Diễn văn khai mạc Đại hội. |
Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất trọng đại, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đại hội XII của Đảng là Đại hội "Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp, nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước chào mừng Đại hội. |
Đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp, nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước chào mừng Đại hội. Thay mặt đoàn đại biểu Thủ đô, đồng chí Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, bày tỏ qua Đại hội lần này, nhân dân Thủ đô mong muốn Đảng, Nhà nước ta tiếp tục tiến hành mạnh mẽ, có hiệu quả sự nghiệp đổi mới; đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng và phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân như Bác Hồ căn dặn.
Nhân dân Thủ đô cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước đang hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với niềm tin tưởng sâu sắc vào thành công của Đại hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô; gửi đến đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên cả nước và nhân dân Thủ đô lời cảm ơn chân thành và bày tỏ quyết tâm tổ chức Đại hội XII thành công tốt đẹp; chúc Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và đồng bào cả nước đạt nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng Thủ đô 1000 năm văn hiến, thành phố Anh hùng, trái tim thân yêu của cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. |
Tại phiên khai mạc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng; khẳng định, các văn kiện đã được chuẩn bị chu đáo, được hàng triệu ý kiến tâm huyết góp ý; là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
Tổng Bí thư khái quát các nội dung quan trọng, cốt lõi nêu trong các văn kiện. Theo đó, nội dung các văn kiện khẳng định những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được, những bài học kinh nghiêm, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới.
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về tình hình trong nước và quốc tế, đánh giá toàn diện về các mặt thuận lợi và khó khăn, các văn kiện đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ lớn để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể, các văn kiện đã đề xuất mục tiêu tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 – 2020; đề xuất phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong các lĩnh vực: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; Quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; Hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...
Tham dự Đại hội XII có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trên cả nước |
Nhân dịp khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã gửi điện chúc mừng, bày tỏ tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đại hội - sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Đoàn nghiên cứu, thảo luận các văn kiện Đại hội XII.
Ngày mai (22/1), Đại hội làm việc tại Hội trường thảo luận các văn kiện Đại hội XII.