Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo Khoa học. |
Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Duy Trinh, cùng đông đảo các đại biểu, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, sinh ra tại tỉnh Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tiếp nối tinh thần yêu nước và truyền thống vẻ vang của quê hương, sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một chiến sĩ cộng sản gan dạ tham gia vào quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Là Đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta, đồng chí Nguyễn Duy Trinh có cơ hội được tôi luyện bản lĩnh, cùng những người đồng chí biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, được gặp gỡ và học hỏi trực tiếp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người đồng chí cách mạng để kiên định với lý tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản, tinh thần đấu tranh và đoàn kết vô sản.
Gần 60 năm hoạt động cách mạng và gần 30 năm trên cương vị Ủy viên ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã đem hết tâm lực và trí tuệ của mình cùng Ban chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Duy Trinh. |
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao giữ nhiều cương vị quan trọng như Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Đồng chí cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam giữ nhiệm kỳ dài nhất, 15 năm (1965-1980), trải qua một thời kỳ đầy biến động, với những bước ngoặt lớn của đất nước, để lại cho ngành Ngoại giao nhiều dấu ấn sâu sắc.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng chứng tỏ được phẩm chất của một người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, luôn thể hiện vai trò và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền, sinh ngày 15/7/1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị (1956 - 1976), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (1965 - 1980). Ông mất ngày 20/4/1985 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi. |
Trong lĩnh vực đối ngoại, “chúng ta rất đỗi tự hào khi tưởng nhớ và noi theo tấm gương đồng chí Nguyễn Duy Trinh, “vị tư lệnh Ngành” xuất sắc trên mặt trận ngoại giao”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Với vai trò là Bộ trưởng ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Trung ương Đảng, triển khai thành công chủ trương chiến lược mở mặt trận đấu tranh ngoại giao để cùng mặt trận chính trị và mặt trận quân sự tạo thành sức tạo mạnh tổng hợp; đồng thời khéo léo vận dụng sách lược “vừa đánh, vừa đàm”, ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, nghệ thuật “thắng từng bước”, tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Những năm 1960, Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để ném bom, bắn phá miền Bắc đồng thời thực hiện chiến dịch ngoại giao đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã lãnh đạo ngoại giao hai miền hành động kịp thời, tích cực vận động sự ủng hộ và tuyên truyền cho thế giới thấy tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của dân tộc ta. Tuyên bố 5 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tuyên bố 4 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lên án hành động chiến tranh mới của Mỹ, khẳng định mạnh mẽ ý chí và nguyện vọng của nhân dân hai miền về hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo cơ sở cho giải pháp chính trị đúng đắn về Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ‘nhắc tới đồng chí Nguyễn Duy Trinh, chúng ta phải nhắc đến vai trò và dấu ấn rất quan trọng của đồng chí trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định Paris’.
Trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là một cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của siêu cường hàng đầu thế giới. Đây là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị; trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ; đóng góp vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ngày 27/01/1973, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau khi nước nhà thống nhất, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã chỉ đạo ngành Ngoại giao vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và các nước bạn bè thế giới để khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đấu tranh phá bao vây cấm vận. Trong thời gian khó khăn này, tháng 7/1976 Việt Nam đã sớm thiết lập và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực với chính sách bốn điểm. Tháng 9/1977 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu. Đây là những bước mở đầu của chính sách mở cửa, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học ‘Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam’ |
Cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn quan tâm đến việc xây dựng, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao phù hợp với thực tiễn cách mạng, coi trọng cải tiến lề lối làm việc, mở rộng dân chủ, đề cao kỷ cương, kỷ luật. Đồng chí cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các thế hệ cán bộ có cơ hội được làm việc cùng đồng chí với phong cách làm việc dân chủ, luôn chăm lo, quan tâm sâu sắc đến cán bộ, trọng dụng nhân tài.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng, tư cách đạo đức và tinh thần cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một tấm gương về trí tuệ, nhân cách và đạo đức mẫu mực cho mỗi cán bộ, Đảng viên noi theo.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Hội thảo khoa học này là dịp để “chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài, sôi nổi, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc”.
Đây cũng là dịp để các đại biểu nghiên cứu, trao đổi và đúc rút các bài học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong các lĩnh vực từ công tác kinh tế, kế hoạch, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ đến công tác đối ngoại, góp phần tiếp tục hoàn thiện đường lối Đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, và thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dự kiến, trong buổi sáng các đại biểu sẽ nghe các tham luận về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.