Khai thác bề mặt Mặt trăng có thể phá hỏng một số địa điểm được coi là nguồn nghiên cứu vô giá đối với khoa học. Ảnh minh họa. (Nguồn: CNBC) |
Cuộc đua chinh phục Mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất hiện đang diễn ra giữa Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Năm 2023, Ấn Độ và Nga đều phóng tàu vũ trụ lên Mặt trăng. Tàu Luna 25 của Nga bị mất kiểm soát trên quỹ đạo Mặt trăng và rơi xuống thiên thể này ngày 19/8/2023.
Chỉ vài ngày sau tai nạn của tàu Luna 25, tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã đưa trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan hạ cánh xuống gần cực Nam Mặt trăng hôm 23/8/2023. Thành công này khiến Ấn Độ trở thành nước thứ tư có phương tiện đáp thành công xuống Mặt trăng, sau Liên Xô (cũ), Mỹ và Trung Quốc.
Sứ mệnh Artemis có người lái đầu tiên của cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mang tên Artemis II sẽ được phóng lên vào năm 2025. NASA dự kiến đưa các phi hành gia đầu tiên hạ cánh xuống cực Nam của Mặt trăng năm 2026. Về phần mình, hai cường quốc Nga và Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng căn cứ hợp tác trên Mặt trăng vào năm 2035.
Không chịu thua kém, Nhật Bản đã phóng thành công tàu đổ bộ lên Mặt trăng vào tháng 1/2024, còn UAE đang phát triển con tàu vũ trụ thứ hai của họ mang tên Rashid 2. Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu, hơn 100 sứ mệnh Mặt trăng của các chính phủ và các công ty tư nhân cũng sẽ được triển khai vào năm 2030.
Bảo tồn giá trị khoa học
Các nhà khoa học cho rằng vùng cực Nam Mặt trăng, nơi nhận được ít ánh sáng từ Mặt trời nhất, có thể có trữ lượng nước đóng băng cực lớn ở trong các miệng núi lửa. Những kế hoạch để con người ở lại nhiều ngày trên bề mặt Mặt trăng đều cần tính đến lượng nước này như một yếu tố sống còn.
Nếu tồn tại một lượng băng dồi dào, nó có thể cung cấp nguồn nước uống cho các nhà du hành trong các cuộc thám hiểm Mặt trăng và giúp làm lạnh thiết bị. Nước có thể được sử dụng để tạo ra oxy để thở và hydro làm nhiên liệu cho các tên lửa của con người hoạt động và nhiên liệu phục vụ các hoạt động khai khoáng trên Mặt trăng.
Các nhà khoa học cho rằng, Mặt trăng có trữ lượng lớn khoáng chất mang tên “đất hiếm” và đồng vị helium-3. Các chất này rất hiếm có ở Trái đất nhưng lại có rất nhiều trên Mặt trăng và có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân. Bà Michelle Hanlon, đồng Giám đốc Chương trình Luật hàng không và vũ trụ của Đại học Mississippi (Mỹ) khẳng định, trong tương lai, khi các nhà khoa học hoàn toàn làm chủ được công nghệ tổng hợp hạt nhân, lượng đồng vị helium-3 trên Mặt trăng có thể đủ để tạo nguồn năng lượng cho dân số Trái đất sử dụng trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên cũng có những ràng buộc nhất định về pháp lý. Hiệp ước về vũ trụ của Liên hợp quốc năm 1967 cấm bất kỳ quốc gia nào tuyên bố quyền sở hữu Mặt trăng. Dù vậy, Hiệp ước lại không có điều khoản nào cấm các hoạt động khai thác thương mại.
Khi con người tiến gần hơn đến việc chinh phục Mặt trăng, triển vọng khai thác trên Mặt trăng trở nên thực tế hơn. Tương tự như việc khai mỏ ở Địa cầu, việc khai mỏ trên Mặt trăng cũng có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho thiên thể này.
Trong các cuộc phỏng vấn với báo The Guardian, các nhà thiên văn học đã lên tiếng cảnh báo về “cơn sốt” khai thác Mặt trăng trong những năm tới.
Các chuyên gia thẳng thắn nêu quan điểm, càng có nhiều sự phát triển trên Mặt trăng, dù là xây dựng môi trường sống cho con người, hay khai thác tài nguyên để đưa về Trái đất, thì càng ít nhà khoa học có thể sử dụng vệ tinh tự nhiên của Địa cầu để nghiên cứu.
Nhà thiên văn học Richard Green của Đại học Arizona (Mỹ) nói với báo The Guardian: “Chúng tôi không cố ngăn chặn việc xây dựng các căn cứ trên Mặt trăng. Tuy nhiên, có một số địa điểm ở đó cực kỳ có giá trị về mặt khoa học nên cần được bảo vệ”.
Ông Green cho biết cụ thể: “Một số hố sâu trên Mặt trăng đã nằm trong bóng tối kể từ khi thiên thể này hình thành hàng tỷ năm trước. Ánh sáng Mặt trời không rọi đến những khu vực này nên các hố sâu đó vô cùng lạnh lẽo. Điều này khiến chúng rất có giá trị về mặt khoa học”. Những hố như vậy là nơi lý tưởng để lắp đặt những thiết bị khoa học như kính thiên văn hồng ngoại, vốn cần được làm mát liên tục.
Những hố sâu trên Mặt trăng này cũng được cho là có chứa nước ở dạng băng siêu lạnh, không bốc hơi, do đó chúng có thể tiết lộ thông tin quý giá về sự xuất hiện của nước trên Mặt trăng, qua đó tìm hiểu xem lượng nước đó đã biến đi đâu.
Biện pháp pháp lý
Tuy vậy, những lời cảnh báo trên của giới nghiên cứu đi ngược lại với niềm khao khát lợi nhuận “vô bờ bến” của những nhóm người nhất định. Đó là lý do một nhóm nhà khoa học do ông Richard Green dẫn đầu sẽ gặp các quan chức Liên hợp quốc vào cuối tháng Ba để bàn thảo việc tăng cường luật không gian nhằm ngăn chặn “cơn sốt” khai thác Mặt trăng trở nên vượt quá giới hạn.
Bất chấp những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực du hành vũ trụ trong vài thập kỷ qua, vẫn chưa có nhiều cập nhật về luật không gian kể từ khi Hiệp ước về vũ trụ được thông qua năm 1967, ngăn cản bất kỳ quốc gia nào đưa ra yêu sách đối với một thiên thể.
Năm 1979, Liên hợp quốc đưa ra Hiệp ước Mặt trăng, quy định rằng Mặt trăng và các thiên thể khác “phải được sử dụng riêng cho mục đích hòa bình và môi trường của chúng không bị phá vỡ”. Ngày nay, những quy định đó cần được cập nhật để theo kịp thực tế.
Ông Martin Elvis, nhà vật lý thiên văn của Đại học Harvard, cho rằng, trong khi môi trường sống trên Mặt trăng có thể trở thành một phần trong chiến lược sinh tồn của loài người khi chúng ta trở thành một loài sinh vật sống liên hành tinh, những thiên thể như Mặt trăng cũng cần phải được bảo tồn cho khoa học.
“Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, bởi vì các chính sách được đưa ra hôm nay sẽ quyết định hành vi của chúng ta trên Mặt trăng trong tương lai”, ông Elvis nói.
Chinh phục Mặt trăng và biến nó thành căn cứ của con người đang trở thành một triển vọng thực sự. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cần tránh mọi hoạt động có thể phá hủy những địa điểm chỉ có ở Mặt trăng và là nguồn nghiên cứu vô giá đối với khoa học.