📞

Khai thác tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào New Zealand

Chu An 14:25 | 21/04/2022
Ngày 20/4, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thị trường đồ gỗ New Zealand và vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đồ gỗ vào thị trường New Zealand” theo hình thức trực tuyến.
Các đại biểu tham gia Hội nghị chuyên đề “Thị trường đồ gỗ New Zealand và vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đồ gỗ vào thị trường New Zealand” theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội thảo có các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Tuần lễ giao thương ngành nội thất Việt Nam (VFMW-2022), các nhà nhập khẩu, chuyên gia phân phối bán lẻ đồ gỗ của New Zealand. Hội thảo đã cung cấp những thông tin chuyên sâu về thị trường đồ gỗ New Zealand, giúp doanh nghiệp Việt Nam đánh giá toàn diện hơn về thị trường này, đồng thời hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand, nhấn mạnh lợi thế cần khai thác của việc hai nước đều là thành viên của các Hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới như CPTPP, RCEP hay AANZFTA (Hiệp định thương mại Asean-Australia-New Zealand).

Việt Nam và New Zealand là hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau, thể hiện rõ trong thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hai chiều. New Zealand là thị trường gỗ thông xẻ nguyên liệu thứ 5 của Việt Nam. Việt Nam là nguồn cung đồ gỗ thành phẩm quan trọng của New Zealand.

Đại sứ đánh giá cao sáng kiến khai thác nền tảng trực tuyến HOPE để tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp hai nước trong điều kiện đi lại khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Công ty Big Save Furniture, nhà nhập khẩu phân phối đồ gỗ lớn thứ hai của New Zealand cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đồ gỗ New Zealand đều muốn đa dạng hóa nguồn cung, không phụ thuộc vào một thị trường và Việt Nam luôn là sự lựa chọn hàng đầu.

Các diễn giả khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng tầm nhìn dài hạn hơn, mở rộng danh mục sản phẩm, đầu tư vào khâu thiết kế, tự động hóa và rô bốt hóa, quan tâm tới nguồn gốc và các tiêu chí phát triển bền vững của sản phẩm.

Tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ cho thị trường New Zealand, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và tận dụng được năng lực đổi mới và sáng tạo đang là thế mạnh của New Zealand hiện nay.

Hiện có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đang cung ứng đồ gỗ cho gần 80 doanh nghiệp nhập khẩu bán buôn, bán lẻ của New Zealand. Đồ gỗ nhập khẩu Việt Nam được người tiêu dùng New Zealand ưa chuộng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào New Zealand đạt 56 triệu USD, tăng 40% so cùng kỳ năm 2020, và tăng gấp 3 lần so với năm 2011.

Là nhà xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ hai của New Zealand, Việt Nam mới chỉ chiếm 7% thị phần đồ gỗ của nước này (quy mô thị trường là 1,5 tỷ USD), do đó, còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường tiềm năng này.

Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thị trường đồ gỗ New Zealand và vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đồ gỗ vào thị trường New Zealand” theo hình thức trực tuyến.
(theo ĐSQ Việt Nam tại New Zealand)