Đã gần 30 năm, kể từ khi con tàu đầu tiên – tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990. Tính đến nay, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam.
Nhằm giúp công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, thưởng lãm một cách đầy đủ về sưu tập hiện vật đặc biệt được khai quật từ những con tàu đắm này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” nhân dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019.
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Ảnh: T.P) |
Trưng bày giới thiệu tới công chúng hơn 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15-18 được tuyển chọn trong bộ sưu tập di sản gốm sứ từ các con tàu đắm và được chọn từ kho tàng di vật cổ đồ gồm sứ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ.
Những đồ vật gốm sứ này là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại Biển Đông – Việt Nam, chứng minh Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế ở thời kỳ hoàng kim của con đường tơ lụa trên biển.
Hiện vật gốm sứ tại trưng bày. (Ảnh: T.P) |
Ngoài ra, với trung tâm sản xuất gốm Chu Đậu, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc sản xuất và cung ứng hàng hóa xuất khẩu tới các nước trên thế giới vào thế kỷ 15 -16. Một số sản phẩm phục chế của Công ty Cổ phần Gốm sứ Chu Đậu cũng được trưng bày, nhằm tôn vinh việc phục hồi và phát triển một dòng gốm mang tính truyền thống độc đáo của Việt Nam.
Tại sự kiện, TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng nhấn mạnh, Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao thương quốc tế trên biển, với đường bờ biển dài 3.260km từ Bắc xuống Nam, dọc theo bờ biển phía Đông - Đông Nam và Tây Nam. Đây là vùng biển rộng lớn nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển.
Tuy vậy, cũng theo TS. Nguyễn Văn Cường, vì nhiều nguyên nhân chủ yếu do tính phức tạp của công việc khảo cổ học dưới nước và những yêu cầu rất lớn về nguồn kinh phí của các cuộc khai quật nên đến nay mới có một số con tàu như tàu cổ Hòn Cau, tàu cổ Cà Mau, tàu cổ Bình Thuận, tàu cổ Hòn Dầm... được Bảo tàng tham gia nghiên cứu, khai quật một cách chính thức.
Khách tham quan trưng bày trong ngày đầu ra mắt. (Ảnh: T.P) |
“Việc khai quật những con tàu này đem lại cho Bảo tàng những tài liệu, hiện vật vô giá, những nhận thức mới khoa học khảo cổ. Dưới đáy biển Việt Nam cũng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, hứa hẹn một tương lai phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước”, ông Cường nói.
Với không gian sinh động, trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” gồm 4 nội dung chính: Biển Việt Nam và thương mại đường biển, Đồ gốm thương mại Việt Nam, Con đường tơ lụa trên biển, Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam. Trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan đến 18/5.
Trước đó, từ tháng 11/2017 - 4/2018, trưng bày này đã được giới thiệu tại Mokpo và Busan (Hàn Quốc) với tên gọi “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam”. Sự kiện đã được các nhà nghiên cứu, cũng như công chúng Hàn Quốc đón nhận và quan tâm sâu sắc.