Quân đội Nga sử dụng chăn tàng hình làm thiết bị ngụy trang trong đêm tối. (Nguồn: Getty) |
Một trong những nguy cơ thường gặp trong xung đột ở Ukraine của quân đội Nga chính là việc thiếu hệ thống tầm nhìn ban đêm và hay bị thiết bị hồng ngoại của đối phương phát hiện vào thời điểm tối muộn. Gần đây, một báo cáo đã chỉ ra rằng quân đội Nga đang chuyển sang sử dụng mylar ponchos, hay còn gọi là “chăn tàng hình”, nhằm ngụy trang thân nhiệt của binh sĩ.
Ngụy trang nhiệt độ
Trong quá trình quan sát diễn biến xung đột ở miền Đông, một sĩ quan Ukraine có tài khoản Twitter là Tatarigami nhận định rằng lực lượng Nga đã sử dụng loại chăn tàng hình tại khu vực này.
Sĩ quan này chia sẻ trên Twitter rằng: “Lực lượng Nga đang sử dụng những tấm chăn/áo khoác chống nhiệt nhằm tránh bị phát giác bởi camera hồng ngoại và máy bay không người lái (UAV)”.
Trước đó, nhằm chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm, kênh Telegram của quân đội Nga đã đăng tải một video trong đó người lính sử dụng thiết bị này đã không bị phát hiện bởi máy quét cảm ứng nhiệt.
Thông thường, các phương tiện quân sự sẽ được trang bị các tấm bạt ngụy trang, kết hợp với phương pháp giảm nhiệt độ. Tại Afghanistan, lực lượng Taliban đã sử dụng “chăn tàng hình” hiệu quả nhằm tránh bị phát hiện bởi quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Những người ủng hộ Ukraine cũng bày tỏ mong muốn quân đội nước này cũng được trang bị vũ khí tương tự. Thậm chí, một nhà phát minh người Ukraine đã được cấp bằng sáng chế cho một công nghệ tương tự.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng chăn hoặc lều trên thị trường hiện được quảng cáo là có công dụng ngụy trang nhiệt độ. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa hoàn hảo và đôi khi để lại dấu vết trên máy chụp hồng ngoại.
Mylar, còn được biết đến với tên thương mại là Melinex và Hostaphan, là dòng chăn tàng hình được đánh giá cao nhất về khả năng ngụy trang thân nhiệt. Đây là vũ khí mà Nga có thể ứng dụng, đặc biệt vào thời điểm mùa Đông nhằm giữ ấm cơ thể cho binh sĩ, giảm khó khăn khi vận động do hạ thân nhiệt. Ngoài ra, người tị nạn ở Ukraine cũng được nhận những chiếc chăn Mylar này để giữ ấm cơ thể.
Lợi thế của Ukraine sẽ mất đi?
Xung đột tại Ukraine đã bộc lộ yếu điểm cố hữu của quân đội Nga, đó là không những thiếu hụt nguồn cung thiết bị quan sát hồng ngoại ban đêm, mà chất lượng của sản phẩm có sẵn hiện tại cũng kém hơn của phương Tây. Điều này gây khó khăn cho lực lượng bộ binh của Nga khi di chuyển trên thực địa.
Ví dụ, những chiếc xe tăng hiện đại nhất của Nga hiện nay vẫn sử dụng thiết bị quan sát hồng ngoại Catherine FC của công ty Thales tại Pháp. Tuy nhiên, Moscow đã mất quyền tiếp cận nguồn cung này kể từ sau xung đột ở miền Đông Ukraine năm 2014. Kể từ đó, Nga phải tự chế tạo thiết bị cho riêng mình và việc không thể nhập khẩu các linh kiện cần thiết do lệnh trừng phạt càng gây khó khăn cho quá trình này hơn.
Trong khi đó, thay vì chuyển giao vũ khí gây sát thương, Mỹ và các nước phương Tây đã cung cấp kính nhìn ban đêm cho Ukraine từ trước thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt. Điều này giúp lực lượng Kiev giành lợi thế lớn khi tác chiến vào ban đêm.
Nói về khả năng quân đội Nga dùng "chăn tàng hình" để tạo bước ngoặt trong xung đột, tài khoản Twitter Tatarigami nhận định rằng Moscow sẽ bị hạn chế về phạm vi áp dụng công nghệ này.
“Chưa có gì đảm bảo rằng Nga sẽ sử dụng những chiếc chăn chống nhiệt này ở quy mô lớn. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn luôn thường trực ngay cả khi chỉ một nhóm nhỏ quân lính hoặc đội bắn tỉa sử dụng thiết bị này”, binh sĩ Ukraine nhận định.
Rõ ràng, trong bối cảnh công nghệ cảm biến nhiệt dần trở nên phổ biến trên chiến trường thời hiện đại, thì quân đội các bên sẽ phải đánh giá khả năng ngụy trang thân nhiệt một cách có hệ thống hơn. Và nếu như những thiết bị tàng hình chứng tỏ được độ hiệu quả, bước tiếp theo nên là tích hợp chúng với các biện pháp ngụy trang quang học.