Xã Sì Lở Lầu là mũi chóp cuối cùng, cao và xa nhất trong 8 xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu, nằm cách thành phố Lai Châu hơn 100 km.
Theo tiếng địa phương, Sì Lở Lầu có nghĩa là 12 tầng dốc, là vùng biên giới xa xôi với địa hình hiểm trở của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Để đến được đây, du khách phải đi qua 12 con dốc uốn lượn, lên tới độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.
Xã có 26km đường biên giới thuộc phạm vi quản lý của Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu. Sì Lở Lầu có 6 bản với 658 hộ, 3.804 khẩu, trong đó, toàn bộ dân cư là đồng bào dân tộc Dao.
Cuối tháng 8 và đầu tháng 9, khi thời tiết mát mẻ cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang tại xã biên giới Sì Lở Lầu chuyển mình sang sắc vàng óng. Nhìn từ xa, sắc vàng của lúa chín hòa cùng sắc xanh của núi rừng Tây Bắc tạo nên những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
|
Xã Sì Lở Lầu đã bước vào mùa lúa chín vàng. (Nguồn: laichau.gov) |
|
Màu vàng tươi mới trên những thửa ruộng bậc thang tại xã Sì Lở Lầu báo hiệu một mùa bội thu của người dân vùng biên giới. (Nguồn: TTXVN) |
|
Những thửa ruộng bậc thang chạy men theo con suối dọc đường biên giới tại bản Mới (xã Sì Lở Lầu) giáp với Trung Quốc. Những thửa ruộng này được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Dao. (Nguồn: TTXVN) |
|
Người dân xã biên giới truyền tai nhau rằng, đã leo lên 12 tầng dốc mà không đi chợ Sùng thì chưa phải đến Sì Lở Lầu. (Nguồn: Dân Việt) |
|
Bên cạnh ngắm mùa lúa chín vàng óng, du khách còn được kháp phá phiên chợ Sừng đặc trưng vùng cao, say mê với trang phục truyền thống của đồng bào Dao. (Nguồn: VNE) |
|
Chợ Sừng được họp vào ngày hai con vật có sừng trong 12 con giáp là con dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu), cứ 6 ngày chợ họp một lần. Cứ đến ngày họp chợ, người dân thức dậy từ sáng sớm, mang theo nhiều sản vật, hàng hóa, lương thực thực phẩm, vật nuôi, cây trồng, quần áo, lá thuốc, mắm muối, đồ ăn… để trao đổi mua bán. (Nguồn: VNE) |