TIN LIÊN QUAN | |
Bộ phim đã khiến điện ảnh thế giới thay đổi mãi mãi | |
Tại sao người nước ngoài thích rối nước Việt Nam |
Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật và văn hóa thời Lý ở Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại học London (Vương quốc Anh) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức từ ngày 9 - 11/2 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc ở thành phố Bắc Ninh.
Hội thảo, với sự tham dự của hơn 20 nhà khoa học và nhà quản lý trong nước và quốc tế, nhằm tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu ngồi lại cùng nhau thảo luận về những kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây.
Các nhà nghiên cứu thảo luận tại Hội thảo “Nghệ thuật và văn hóa thời Lý ở Việt Nam”. Ảnh: Trung Hiếu |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Bích Liên nhấn mạnh: Bắc Ninh là vùng đất văn hiến nổi tiếng, với ba Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận: dân ca quan họ Bắc Ninh; ca trù; nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống.
“Bắc Ninh là nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam, và tự hào là đất phát tích của vương triều Lý, một triều đại thịnh trị kéo dài tới 216 năm trong lịch sử Việt Nam".
"Vùng đất này còn lưu giữ 133 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt là chùa Dâu, chùa Bút Tháp, di tích lịch sử khu lăng mộ và các đền thờ các vị vua thời Lý. Đây cũng là “vùng đất trăm nghề” như các nghề làm giấy, tơ tằm, chạm bạc, khắc gỗ, làm giấy…” - bà Liên cho biết.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cùng thảo luận nhằm khẳng định những giá trị của nghệ thuật và văn hóa thời Lý.
GS. TS. Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết vùng đất Kinh Bắc cổ (bao gồm toàn bộ các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay, và một phần nhỏ vùng ngoại vi Hà Nội) có vai trò quan trọng bởi 2 lý do: là vùng đất quê hương của vị vua sáng tổ vương triều Lý – Lý Thái Tổ – người có công dời đô ra kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay); và là nơi có vị trí, vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh đô Thăng Long xưa.
Ngói lợp mái cung điện thời Lý. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam |
GS. TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, cho rằng, trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các di sản văn hóa nghệ thuật thời nhà Lý (1000-1225) có vai trò hết sức quan trọng. “Vấn đề là, cho đến nay, sau hàng nghìn năm, đã có không ít di sản văn hóa phi vật thể bị thất truyền, nhiều di tích lịch sử, kiến trúc đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp, chính vì vậy rất cần có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để tiếp tục hợp tác nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị những di sản văn hóa đặc sắc này” – ông Bình nhận định.
Chùa tháp - di sản văn hóa nghệ thuật tiêu biểu
TS Trần Thiên Đức (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh vào thời Lý, với việc xây rất nhiều chùa tháp ở nhiều địa phương, đặc biệt là Bắc Ninh, quê hương của nhà Lý, vốn là tổ đình Phật giáo Việt Nam.
Ông Đức cho biết, có hàng trăm kiến trúc chùa tháp được xây dựng ở quê hương nhà Lý, gồm 2 loại: Chùa tháp do nhân dân các làng xã xây dựng (do quy mô kiến trúc nhỏ, lại trải qua các cuộc chiến tranh nên nay không còn di tích nào tồn tại); và chùa tháp do các vị vua và hoàng tộc nhà Lý cho xây dựng - đó là những công trình “đại danh lam”, nay còn lại dấu tích kiến trúc và được ghi vào chính sử như chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Tam Sơn, chùa Phả Lại… tập trung ở huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đền Đô (hay còn gọi là đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện) thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi thờ 8 vị vua thời Lý. Ảnh: Trung Hiếu |
TS Đức chỉ ra những đặc điểm kiến trúc chùa, tháp ở Bắc Ninh: các công trình chùa, tháp được xây dựng tập trung ở những trung tâm Phật giáo cổ xưa như Luy Lâu (chùa Dâu), Phật Tích, Cổ Pháp… là vùng văn hóa quê hương nhà Lý. Đa số công trình được xây dựng ở nơi rừng núi, cảnh sắc u tịch, nhưng vẫn gắn liền với những làng xóm lân cận, chứng tỏ xu hướng nhập thế và dân gian của Phật giáo thời Lý.
Ông cho biết, các chùa tháp thời Lý ở Bắc Ninh đều là các đại danh lam do triều đình xây dựng, có quy mô lớn, kiến trúc bề thế, gồm hàng chục công trình được xây cất công phu, điêu khắc tinh xảo, tiêu biểu là chùa Phật Tích và chùa Dạm.
“Cho đến nay, ở nước ta, chưa có ngôi chùa nào thời Lý có quy mô to lớn và trang trí đắp vẽ tinh xảo như chùa Phật Tích và chùa Dạm” – TS Đức cho biết.
TS Đức khẳng định những chùa tháp ở Bắc Ninh là điển hình cho kiến trúc chùa tháp thời Lý về số lượng, về quy mô kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật điêu khắc, trang trí. Đó là những di sản văn hóa nghệ thuật tiêu biểu cho nền văn minh Đại Việt – ông nhấn mạnh.
“Tự hào là quê hương nhà Lý với những di tích chùa tháp tiêu biểu, tỉnh Bắc Ninh hiện đang triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đời Lý, trong đó có các dự án tu bổ lại các công trình chùa tháp tiêu biểu như phục dựng lại chùa Phật Tích, chùa Tam Sơn, chùa Dạm, tu bổ lớn chùa Dâu…” – TS Đức cho biết.
Vùng đất quê hương nhà Lý ở Bắc Ninh có tới 133 di tích lịch sử và văn hóa. Ảnh: Trung Hiếu |
Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Lê Viết Nga (Hội Sử học Bắc Ninh) cũng đã giới thiệu một số phát hiện mới về di sản khảo cổ, lịch sử, nghệ thuật thời Lý ở Bắc Ninh, bao gồm một số hiện vật bằng đá được phát hiện trong thời gian gần đây ở chùa Dạm (thành phố Bắc Ninh) và chùa Bồ Vàng (huyện Yên Phong).
Ông khẳng định các vị vua nhà Lý đã đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật người Việt như kiến trúc, điêu khắc...
"Trước sự ảnh hưởng lâu dài và mạnh mẽ của nước láng giềng phương Bắc, các vị vua nhà Lý đã mở đường cho một quyết tâm khẳng định bản sắc riêng của Việt Nam" - ông Nga nhận định.
Gốm sứ và sự hội nhập văn hóa
TS Ritsuko Yajima đến từ Bảo tàng thành phố Machida, Tokyo, Nhật Bản, cho biết gốm sứ Việt Nam được nhập khẩu vào Nhật Bản từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII.
“Một số đã được sử dụng trong nghi lễ trà đạo của Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XVI. Có một tác phẩm gốm sứ thời Lý đã được công nhận là một sản phẩm nghệ thuật quan trọng của Nhật Bản” – TS Yajima cho biết.
Một sản phẩm gốm thời Lý. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam |
TS Yajima khẳng định: “Chúng ta không thể tìm thấy bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào từ Trung Quốc trong gốm sứ thời Lý. Ví dụ: bàn xoay gốm quay theo chiều kim đồng hồ trong gốm sứ thời Lý là trái ngược với Trung Quốc. Cách thức tạo đế, dụng cụ lò nung và nước men màu trắng là sự khác nhau rõ ràng với gốm sứ Trung Quốc”.
PGS. TS. Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thì cho rằng nghệ thuật thời Lý phát triển rực rỡ là nhờ có sự hội nhập của một số nền văn hóa lân cận, mà nổi nét là văn hóa Chăm Pa.
“Nghiên cứu các tượng tròn, họa tiết trang trí hoa văn và các công trình kiến trúc trong các chùa thời Lý đã cho thấy điều đó” – ông nói.
PGS Sinh khẳng định: Chính sự hội nhập và lan tỏa các yếu tố nghệ thuật tạo hình của thời Lý đã làm phong phú bản sắc của nền nghệ thuật này, làm nên những nét riêng biệt, không bị đồng hóa bởi các nền văn minh lớn khác ở khu vực.
Quê hương của vua Lý Thái Tổ ở đâu? TS Trần Đình Luyện (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh), cho biết, do sự ghi chép thiếu cụ thể của sử cũ, nên việc tìm hiểu nhằm xác định cụ thể quê hương của vua Lý Thái Tổ là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trong thời gian qua. Ông cho biết: Vùng văn hóa quê hương nhà Lý ở Bắc Ninh bao gồm một không gian rộng, gồm phường Đình Bảng, làng Dương Lôi, phường Tân Hồng, xã Tương Giang thuộc thị xã Từ Sơn và kéo dài tới xã Phú Lâm (huyện Tiên Du), nằm dọc con sông Tiêu Tương cổ. “Trong vùng văn hóa quê hương nhà Lý, có Đình Bảng là quê vua Lý Thái Tổ và các vua nhà Lý, với tên cổ là làng Cổ Pháp, với các di tích: đền Cổ Pháp thờ các vua Lý, lăng Cổ Pháp nơi an táng các vua Lý, chùa Cổ Pháp… “Làng Dương Lôi thuộc phường Tân Hồng, nơi thờ bà Phạm Thị Ngà, thân mẫu vua Lý Thái Tổ với các di tích: đền thờ Lý triều Thánh mẫu, đình Dương Lôi thờ tám vị vua nhà Lý… “Chùa Tiêu Sơn nơi có tấm bia cổ “Lý gia linh thạch” và tượng đồng Thiền sư Vạn Hạnh, người có công lớn nuôi dạy Lý Công Uẩn và đưa ông lên ngôi, lập nên vương triều Lý” – ông Luyện cho biết. |
“Chat” với Xuân Hinh Xuân là mùa của vui tươi. Không biết có sự liên quan đến cái tên đệm của nghệ sĩ hài này hay không nhưng người ... |
Dạy Tuồng ở Mỹ “Đối với người Mỹ, nghệ thuật cách điệu, ước lệ phương Đông còn rất xa lạ, nhưng hiểu ra rồi thì rất thích” - Giáo ... |
Mỹ Tâm, Hà Hồ bất ngờ hội ngộ trên sân khấu Chào 2017 Với thông điệp “Hãy yêu nhau đi”, Chào 2017 dẫn dắt mọi người đi trên một hành trình âm nhạc đầy ắp yêu thương với ... |