Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, Khánh Hòa sở hữu vị trí thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, có nhiều vịnh, cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam.
Đặc biệt, lợi thế của ba vịnh biển (vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh) nằm gần tuyến hàng hải quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Hòa phát triển tổng hợp kinh tế biển như: công nghiệp đóng tàu, hàng hải (vận tải, dịch vụ cảng biển), du lịch biển đảo, kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt hải sản).
Nhắc đến Khánh Hòa, người ta nghĩ ngay đến thành phố biển Nha Trang xinh đẹp và hiền hòa, vịnh Nha Trang - thành viên của Câu lạc bộ xác vịnh đẹp nhất thế giới với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, hấp dẫn bởi du lịch sinh thái biển đảo. Cũng không thể không nhắc đến Cam Ranh với Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng quốc tế Cam Ranh đã và đang phát triển thành trung tâm nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái biển đẳng cấp thế giới. Cùng với đó là Khu kinh tế Vân Phong với các điều kiện, yếu tố thuận lợi và tiềm năng để phát triển kinh tế biển…
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa tham dự phiên thảo luận trực tuyến với Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF) và Liên minh Lãnh đạo thế giới (Club de Madrid). |
Vượt thách thức, chủ động trong công tác đối ngoại
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác đối ngoại của tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, các hoạt động trao đổi đoàn, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch… trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Song, bám sát và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tỉnh Khánh Hòa luôn duy trì và tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
Công tác lãnh sự và bảo hộ công dân được triển khai kịp thời với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan Trung ương. Công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân tiếp tục đẩy mạnh với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Các sự kiện đối ngoại, hội nghị, hội thảo được tổ chức chu đáo, trọng thị và đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Vấn đề an ninh đối ngoại tiếp tục được đảm bảo, phục vụ tích cực cho các hoạt động đối ngoại của tỉnh.
Đồng thời, công tác hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được tỉnh hết sức chú trọng. Với việc triển khai theo định hướng chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa về cơ bản phát huy được những thế mạnh sẵn có, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, cải cách hành chính, nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và doanh nhân trong tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, việc mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế cũng mang lại không ít khó khăn phát sinh trong công cuộc bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ vững chính trị và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn, cũng như ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác đối ngoại ở địa phương còn nhiều hạn chế, phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu. Đó cũng là một trong những khó khăn và thách thức của địa phương khi triển khai công tác đối ngoại, nhất là trong công tác trao đổi, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài.
Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 112 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấp phép đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong đó 48 dự án thuộc các Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Khu công nghiệp Suối Dầu, Khu công nghiệp Ninh Thủy), tổng số vốn đầu tư thực hiện tính đến Quý III/2021 ước đạt 1.464,93 triệu USD. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, 2.614 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi đã được cấp cho các doanh nghiệp theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Định hướng trong năm 2022
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch năm năm 2021-2025. Dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức phi truyền thống đan xen. Trước tình hình đó, tỉnh Khánh Hòa vẫn sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, đặc biệt là đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới được Đại hội XIII của Đảng kế thừa và phát triển, được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cụ thể phù hợp tình hình địa phương. Đồng thời, chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan, triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại tại tỉnh, huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài với tầm nhìn đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với ba vùng kinh tế động lực là:
Thành phố Nha Trang: chú trọng đầu tư các trung tâm văn hóa - nghệ thuật đa năng phục vụ nhân dân và du khách; triển khai các dự án phát triển các ngành công nghệ - kỹ thuật cao; đưa vào khai thác các khu du lịch - dịch vụ, hạ tầng thương mại, khu đô thị, khu dân cư; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch, phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố Nha Trang trở thành đô thị trung tâm, văn minh, hiện đại.
Khu vực vịnh Vân Phong: Tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với một khu kinh tế lớn trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển như: du lịch, cảng biển logistics, thương mại, công nghiệp công nghệ cao..., nhất là khu vực Bắc Vân Phong, để trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh, khu vực.
Khu vực vịnh Cam Ranh: chú trọng đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án điện mặt trời, dự án Trung tâm Nghề cá lớn ở cảng Đá Bạc. Hoàn thành đưa vào khai thác các dự án du lịch phía Đông và phía Tây Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh; phát triển vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao... nhằm xây dựng khu vực vịnh Cam Ranh thành trung tâm kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tại Hội thảo trực tuyến xúc tiến hợp tác Khánh Hòa - Ấn Độ. |
Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bám sát và thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thông qua các hoạt động:
Tăng cường công tác quảng bá con người, hình ảnh Khánh Hòa đến các quốc gia trên thế giới thông qua người Việt Nam ở nước ngoài, đây là kênh trung gian và là cầu nối giữa tỉnh Khánh Hòa với người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức nước ngoài nhằm kêu gọi cộng đồng kiều bào, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh; Tích cực kết nối với các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo (có thể bằng hình thức trực tuyến) phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; đặc biệt là về các FTA, EVFTA, UVFTA, EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư) đã ký kết, các cơ hội hợp tác kinh tế trong cộng đồng ASEAN, cộng đồng kinh tế APEC đến các cơ quan, doanh nghiệp và người dân nắm thông tin để tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ chức tốt các hoạt động Năm hữu nghị với các nước tại địa phương: Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong năm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào-Việt Nam 2022”; Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022) trong năm “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”; Kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao... đặc biệt là với các địa phương kết nghĩa tại những nước này.
| Tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0 tới xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam Chiều ngày 25/11, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo chuyên đề “Tác động ... |
| Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới Hội nhập kinh tế quốc tế là bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới và là một trong những chủ trương ... |