📞

Khảo sát của WEF: Ấn Độ ủng hộ viện trợ quốc tế nhiều nhất

15:49 | 21/01/2019
Có đến 95% người dân Ấn Độ đồng tình với các chương trình viện trợ quốc tế. Phần lớn người dân nước này mong muốn, Ấn Độ sẽ tham gia giúp đỡ các quốc gia khác nhiều hơn.

Trước thềm Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos 2019 diễn ra từ 22-25/1 tại Thụy Sĩ, WEF đã công bố khảo sát dư luận toàn cầu, dựa trên ý kiến của hơn 10.000 người từ khắp nơi trên thế giới về những vấn đề quan trọng dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo trong chương trình nghị sự của Hội nghị.

Theo đó, với 95% người dân được hỏi đồng tình với các chương trình viện trợ quốc tế, Ấn Độ đã trở thành quốc gia có nhiều người ủng hộ viện trợ quốc tế nhất. Người dân Ấn Độ cũng khẳng định, họ mong muốn nước này sẽ tham gia giúp đỡ các quốc gia khác nhiều hơn. Ngoài Ấn Độ, các nước khác trong khu vực Nam Á như Pakistan (94%) và Bangladesh (87%)…cũng là những quốc gia ủng hộ tích cực các chương trình viện trợ quốc tế.

Khảo sát cũng cho thấy, 80% số người tham gia cho rằng các chương trình viện trợ quốc tế sẽ giúp các quốc gia cùng được hưởng lợi, xua tan những nghi ngại trước đó về tính hiệu quả của các chương trình viện trợ.

WEF Davos 2019 được đánh giá là nơi tụ họp của những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới. (Nguồn: Davos.ch)

Về vấn đề nhập cư, trong khi người dân các quốc gia Bắc Mỹ khá cởi mở với những người nhập cư thì người dân các quốc gia châu Âu lại khá thận trọng với làn sóng người nhập cư đang gia tăng. Có 63% người dân Mỹ tin rằng những người nhập cư đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, cao hơn nhiều so với trung bình toàn cầu là 56%, 48% ở Đức và 30% ở Italy.

Về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường, phần lớn người dân trên thế giới đều khá tin tưởng vào những nghiên cứu, dự đoán đưa ra bởi các chuyên gia khí tượng. Riêng khu vực Bắc Mỹ, chỉ có 17% người dân tin tưởng vào các dự báo khí tượng.

Về hợp tác đa phương, 83% số người được hỏi tại Mỹ lạc quan tin tưởng vào các cơ chế hợp tác đa phương khi cho rằng các cơ chế này có lợi cho các quốc gia. Trong khi đó, chỉ khoảng 35% người Nhật Bản, 74% người Anh và 65% người Pháp tin tưởng vào các cơ chế hợp tác đa phương.

Hội nghị WEF Davos 2019 sẽ có chủ đề chính là “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc mới trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”.

WEF Davos 2019 được đánh giá là nơi tụ họp của những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới. Thế nhưng, nhiều vấn đề về chính trị và kinh tế đang thách thức giới tinh hoa toàn cầu tại Davos lần này.

WEF tự nhận vai trò của mình là “cải thiện tình trạng của thế giới”. Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Anand Giridharadas, sau nhiều thập kỷ đấu tranh cho toàn cầu hóa, nay WEF e sợ rằng tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, chủ nghĩa bảo hộ và nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc có thể khiến kinh tế thế giới “mộng du” vào một cuộc khủng hoảng khác. 

(theo CNBC)