Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có không ít câu chuyện buồn trong mùa khen thưởng cuối năm này.
Lợi dụng tâm lý háo danh, chuộng hình thức, “con gà hơn nhau tiếng gáy”, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ra sức “tô hồng báo cáo”, “chạy thành tích”, giấu giếm khuyết điểm, khen thưởng tràn lan để “cả nhà cùng vui”.
Có nơi bình xét danh hiệu thi đua theo cảm tính, thân quen, khen không đúng, thưởng không đủ… Có nơi khen thưởng đều “ưu tiên” lãnh đạo, có nơi lại xét đến “cơ cấu mặt trận”.
Người nào được khen bên Công đoàn hoặc Đảng rồi thì khỏi khen phần của chính quyền hoặc là ngược lại. Bộ phận nào nếu có hai người trở lên được bằng khen thì phải rút đi một người để “san sẻ” cho người của bộ phận khác cho dù người được “san sẻ” không có gì là nổi bật.
Có cơ quan do kinh phí dành cho khen thưởng hạn hẹp nên chỉ được nhận bằng khen, giấy khen, không kèm theo tiền thưởng…
Ông cha ta có câu: “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, rồi “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”... Khen đúng đối tượng, thưởng tương xứng với thành tích sẽ là động lực để các tập thể, cá nhân phấn đấu. Tuy nhiên, nếu khen nhầm, thưởng không đúng thì khen thưởng lại phản tác dụng, gây bức xúc trong xã hội.
Để khen đúng, thưởng đủ và công tác khen thưởng thực sự trở thành động lực cho sự phát triển, nên chăng, cần bổ sung quy định quần chúng là người phản biện đề xuất khen thưởng của cấp trên trực tiếp người được khen, cũng như người đề xuất khen thưởng phải có trách nhiệm về sự đề xuất đúng đắn của mình, có cơ chế rút hay hủy quyết định khen thưởng.
Thực tế cho thấy, muốn có khen thưởng thì phải có thi đua. Để thi đua phát triển mạnh thì phải tổ chức tổng kết và khen thưởng kịp thời. Cho nên, phải thực hiện thi đua thì mới có thành tích tiêu biểu để mà khen thưởng. Khen thưởng lại tạo động lực để thi đua.
Muốn khen đúng, thưởng đủ, việc quan trọng nhất là công tác lập hồ sơ khen thưởng phải luôn công khai, minh bạch và dân chủ, có sự đồng thuận cao trong cơ quan, tổ chức và đơn vị đề xuất.