📞

Khi AI ‘lấn sân’ các nhà biên kịch

HOÀNG TRUNG HIẾU 20:29 | 14/05/2023
Nỗi lo mất việc hiển hiện trước mắt các nhà biên kịch phim và truyền hình từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Các nhà biên kịch Hollywood đang lo ngại “sự lấn sân” của công nghệ AI. (Nguồn: Getty Images)

Những công cụ AI mới mạnh mẽ, với kho dữ liệu trực tuyến khổng lồ, ngày càng trở nên tiên tiến, khiến các nhà biên kịch như ông John August phải cảnh giác.

Ông August là thành viên của Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA), nhà biên kịch phim, trong đó có bộ phim nổi tiếng Những thiên thần của Charlie nói với CNN: “Chúng tôi lo rằng, kịch bản của mình sẽ bị biến thành ‘chất liệu’ để AI tạo ra các kịch bản khác”.

Hôm 3/5, ông August cùng hơn 11.000 thành viên của WGA tham gia đình công đòi tăng lương tại Hollywood, New York và Los Angeles, khiến việc sản xuất một số chương trình truyền hình phải tạm dừng.

Bảo vệ sinh kế

WGA yêu cầu Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP) thực hiện một loạt thay đổi, từ việc tăng lương cho đến các hướng dẫn rõ ràng trong các dịch vụ trực tuyến. Họ đấu tranh để bảo vệ sinh kế của các nhà biên kịch trước sự phát triển thần tốc của AI.

Trong một đề xuất được công bố trên trang web của WGA, họ cho rằng: AI nên được quy định để nó “không thể viết hoặc viết lại tài liệu văn học, không thể được sử dụng làm tài liệu nguồn” và tác phẩm của các nhà biên kịch “không thể được sử dụng để huấn luyện AI”.

Ngày 26/3, WGA đưa ra đề xuất sử dụng AI trong viết kịch bản nhưng không ảnh hưởng đến quyền tác giả và chia sẻ của biên kịch.

Trước đó, ngày 22/3, WGA tuyên bố các tài liệu do AI tạo ra không được coi là “nội dung văn học” hoặc “tài liệu nguồn”. Nội dung văn học đề cập sản phẩm “kịch bản” và nếu AI không thể sản xuất nội dung văn học, thì không được coi là viết kịch bản.

WGA cho rằng, sự khác biệt giữa tác phẩm văn học và sản phẩm của AI cho phép các nhà biên kịch sử dụng AI trong quá trình viết mà không cần phải thương lượng về vấn đề quyền tác giả với các nhà sản xuất phần mềm. Do đó, WGA coi AI chỉ là công cụ cho các nhà biên kịch.

AMPTP cho biết, họ coi trọng công việc của những người sáng tạo và “những câu chuyện hay nhất là nguyên bản, sâu sắc và thường đến từ trải nghiệm của chính con người”.

Họ khẳng định, những tài liệu AI sử dụng không có bản quyền, và WGA hiện tại định nghĩa “nhà văn” là một “người” và cho biết “tài liệu do AI viết ra không đủ điều kiện để được ghi nhận công sức”.

Nỗ lực thương lượng về AI của các nhà biên kịch Mỹ có lẽ là “trận chiến” mới nhất để giải quyết những lo ngại về công nghệ tiên tiến đang thu hút sự chú ý của thế giới suốt sáu tháng qua kể từ khi ChatGPT trình làng công chúng.

Các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs ước tính, có tới 300 triệu công việc chính thức trên toàn cầu có thể được tự động hóa nhờ AI. Những người làm văn phòng được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tác động có thể xảy ra sớm hơn người ta nghĩ. Giám đốc điều hành của IBM gần đây cho rằng AI có thể loại bỏ hàng nghìn việc làm chỉ riêng tại tập đoàn của ông trong năm năm tới.

David Gunkel, Giáo sư Khoa truyền thông tại Đại học Bắc Illinois, người theo dõi AI trong truyền thông và giải trí cho biết các nhà biên kịch muốn có hướng dẫn rõ ràng về AI. “AI thay thế sức lao động của con người trong nhiều lĩnh vực sáng tạo nội dung khác như viết quảng cáo, viết báo, viết SEO… WGA đơn giản là đang cố bảo vệ các thành viên khỏi thất nghiệp do công nghệ”, ông nói.

Trong khi các nhà biên kịch phim và truyền hình ở Hollywood hiện đang dẫn đầu cuộc đấu tranh, các ngành khác cũng rất chú ý đến vấn đề nóng này. Theo ông Rowan Curran, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Forrester Research (Mỹ), “các nghệ sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư, chuyên gia bất động sản và nhân viên dịch vụ khách hàng đều sẽ cảm nhận được tác động của AI”.

Chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển AI

Công nghệ AI được sử dụng ở Hollywood trong nhiều năm. Trong bộ phim Biệt đội báo thù: Cuộc chiến vô cực (Avengers: Infinity Wars) năm 2018, khuôn mặt của Thanos - nhân vật do nam diễn viên Josh Brolin thủ vai - được tạo ra một phần nhờ công nghệ này.

Những cảnh quay đám đông và trận chiến trong các bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫnMeg đã áp dụng AI. Gần đây loạt phim Indiana Jones đã ứng dụng công nghệ này để khiến nhân vật của Harrison Ford trông trẻ hơn. AI cũng được sử dụng để hiệu chỉnh màu sắc, tìm cảnh nhanh hơn trong quá trình sản xuất hậu kỳ, loại bỏ vết trầy xước và bụi khỏi cảnh quay.

Tuy vậy, việc sử dụng AI trong viết kịch bản vẫn ở giai đoạn sơ khai. Vào tháng Ba, một tập phim South Park có tên Deep Learning do ChatGPT đồng sáng tác, tập trung cao độ vào cốt truyện (các nhân vật sử dụng ChatGPT để nói chuyện với các cô gái và làm bài ở trường).

Ông August cho biết, phần lớn các nhà biên kịch sẵn sàng sử dụng AI, miễn là chúng được sử dụng làm công cụ hỗ trợ, hoặc để nghiên cứu, và công sức của các nhà biên kịch vẫn được ghi nhận và sử dụng trong suốt quá trình sản xuất phim.

“Các nhà biên kịch nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới để giúp chúng tôi kể câu chuyện của mình”, ông August nói. “Chúng tôi đã chuyển từ máy đánh chữ sang quy trình xử lý văn bản một cách vui vẻ và việc này đã giúp tăng năng suất. Song, chúng tôi không cần một chiếc máy kỳ diệu có thể tự tạo ra tất cả các kịch bản”.

Hiện tại, các quy định về luật còn nhiều bất ổn về vấn đề này, với các quy định tụt hậu so với tốc độ phát triển nhanh chóng của AI. Hồi đầu tháng Tư, chính quyền Tổng thống Biden cho biết, họ đang lấy ý kiến của công chúng về cách quy trách nhiệm cho các công cụ AI như ChatGPT.

“Chúng tôi không thể bảo vệ các hãng phim khỏi những lựa chọn sai lầm mà chỉ có thể bảo vệ các nhà biên kịch khỏi bị lạm dụng”, ông August nói.

(tổng hợp)