Báo cáo của Euromonitor có tên 10 xu hướng tiêu dùng toàn cầu năm 2022 nhận định, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở châu Á có xu hướng chuyển sang sử dụng mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ Internet khác khi dành nhiều thời gian ở nhà hơn do đại dịch.
Khoảng một nửa số người cao tuổi (trên 60), sinh sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham gia khảo sát cho Báo cáo cho biết, họ sử dụng Twitter nhiều lần trong ngày, cao hơn đáng kể so với 28% ở châu Âu và 36% ở Bắc Mỹ.
Tỷ lệ này cũng tương tự khi sử dụng các mạng truyền thông xã hội khác.
Điều này cho thấy, so với nhiều khu vực khác trên thế giới, sự hiểu biết về công nghệ của người cao tuổi châu Á vẫn có phần vượt trội hơn.
Ngày càng nhiều người cao tuổi châu Á sử dụng mạng xã hội, chơi game, sở hữu kính VR. (Nguồn: AP) |
Gia tăng do đại dịch
Bà Pechara Voracharusrungsri, một phụ nữ 70 tuổi sống ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) chia sẻ, bà sử dụng mạng xã hội Facebook hoặc ứng dụng chat LINE để mua sắm trực tuyến nhiều lần mỗi tháng. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bà chỉ sử dụng hai phương tiện này để mua trái cây vài lần một năm.
Tuân thủ các quy định phòng dịch, tránh tiếp xúc và tập trung nơi đông người, thời gian gần đây bà Voracharusrungsri đã chuyển hẳn sang ứng dụng LINE để mua thực phẩm như bánh, trái cây… từ một cửa hàng quen mà bà thường hay lui tới trước đó.
Thậm chí, bà còn thường xuyên sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm hay đặt hàng các sản phẩm của các thương hiệu, công ty có uy tín mà bà vẫn tin tưởng, đơn cử như đặt mua trứng từ trang trại mà bà biết đến qua một sự kiện ở trung tâm mua sắm.
Bên cạnh đó, bà vẫn tiếp tục tìm kiếm, tham khảo thông tin về các nhãn hàng, thương hiệu mới qua Internet.
Theo các chuyên gia xã hội, một trong những yếu tố khiến cho tỷ lệ người cao tuổi châu Á sử dụng thiết bị kỹ thuật số gia tăng mạnh mẽ đến từ cấu trúc xã hội của khu vực này. So với các khu vực khác, tỷ lệ các gia đình có nhiều thế hệ sinh sống ở khu vực châu Á thường cao hơn đáng kể.
Tỷ lệ người trên 60 tuổi dùng Twitter nhiều lần mỗi ngày ở châu Á - Thái Bình Dương cao hơn các khu vưc khác. (Nguồn: Euromonitor) |
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, trong khi phần lớn người cao tuổi ở châu Âu và Bắc Mỹ sống một mình hoặc với bạn đời (vợ/chồng) thì nhiều hộ gia đình châu Á có từ hai đến ba thế hệ cùng sinh sống.
Do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại để phòng dịch đã tạo điều kiện cho các gia đình dành nhiều thời gian bên nhau. Nhiều người lớn tuổi có cơ hội để học cách sử dụng các công nghệ, ứng dụng mới từ con cháu mình, thế hệ lớn lên trong môi trường kỹ thuật số, mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến.
Bà Natasha Cazin, cố vấn nghiên cứu tại Euromonitor dự báo: “Các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là những nền tảng cho phép chủ tài khoản tạo nội dung của riêng mình và đăng video như YouTube, WeChat và Instagram…được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến trong môi trường kỹ thuật số ở châu Á trong tương lai gần”.
Trở thành KOLs
Một số người cao tuổi chịu khó tìm tòi và có sự hiểu biết về kỹ thuật số thậm chí đã nhanh chóng trở thành những người có ảnh hưởng (KOLs) nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân.
Bà Park Mak-rye (70 tuổi) đã trở thành một "hiện tượng mạng" của Hàn Quốc thời gian vừa qua nhờ vào những vlog thú vị của mình. (Nguồn: Instagram) |
Một cặp vợ chồng 80 tuổi sinh sống ở Đài Loan (Trung Quốc) đang điều hành một tiệm giặt là tự hào cho biết, họ hiện có tới 660.000 người theo dõi tài khoản Instagram của mình.
Trước đó, một bức ảnh chụp cặp đôi mặc bộ quần áo mà chủ nhân đã bỏ lại nhiều năm tại cửa hàng với thông điệp “Đừng quên lấy đồ giặt của bạn” đã nhanh chóng tạo ra một “cơn sốt” trên mạng. Cặp đôi đã thu hút một lượng lớn bình luận bày tỏ sự thích thú với những bức ảnh đáng yêu mà họ chia sẻ.
Ở xứ sở kim chi, bà Park Mak-rye (70 tuổi) cũng được xem như một “hiện tượng mạng” và được gắn với biệt danh “người bà quốc dân” bởi các vlog thể hiện tinh thần trẻ trung, vui vẻ hiếm thấy. Bà hiện có trên 1,35 triệu người theo dõi và đăng ký kênh trên Youtube. Tài khoản mạng xã hội Instagram của bà Park có tên “Korea Grandma”, ở đây, bà chia sẻ tất cả những kinh nghiệm cá nhân về trang điểm, nấu nướng, du lịch…
Thị trường tiềm năng
Euromonitor dự báo, số người cao tuổi ở khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Theo ước tính của công ty này, số người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2040, đạt 767 triệu người.
Khi làn sóng kỹ thuật số và công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh chóng về cách thức mua sắm cũng như những dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng lớn tuổi, các doanh nghiệp cũng chạy đua để nắm bắt xu hướng này.
Tháng 10/2021, Taobao - nền tảng mua sắm trực tuyến nổi tiếng thuộc sở hữu và điều hành của Tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Alibaba, bắt đầu cung cấp định dạng trang web "chế độ cao cấp" với kích thước chữ cái lớn hơn và khả năng tìm kiếm bằng giọng nói.
Người cao tuổi học cách dùng smartphone tại Thượng Hải năm 2021. (Nguồn: AP) |
HKTV, một dịch vụ mua sắm trực tuyến có trụ sở tại đặc khu hành chính Hong Kong cũng bắt đầu cung cấp các ứng dụng được thiết kế dành riêng cho những người cao tuổi không quen mua hàng qua Internet.
“Các phiên bản dễ sử dụng của cả hai ứng dụng hàng đầu này được kỳ vọng sẽ góp phần đưa thương mại điện tử gần hơn với những người cao tuổi đang làm quen với kỹ thuật số ở châu Á”, chuyên gia Cazin cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã góp phần làm gia tăng số lượng người cao tuổi châu Á tiếp cận với công nghệ số và các dịch vụ trực tuyến. Để có thể khai thác được sức mua ngày càng tăng của các "bậc cao niên kỹ thuật số" này, các công ty cần phải có sự điều chỉnh kịp thời về kế hoạch cũng như chiến lược kinh doanh của riêng mình.