📞

Khi các nước đặt Afghanistan lên 'bàn cân'

06:00 | 18/08/2021
Có thể thế giới phải gồng mình để chứng kiến không phải một cuộc chiến tranh nóng thì cũng là một cuộc chiến tranh lạnh ở Afghanistan giữa các cường quốc khu vực và thế giới.

Khi tất cả bắt đầu đếm ngược đến thời điểm kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan và việc Taliban thành lập chính phủ mới ở Kabul trong vài tháng hoặc thậm chí là vài tuần tới, chắc chắn là không chỉ Mỹ mà nhiều "cổ đông” quốc tế có liên quan đến tình hình Afghanistan đang nghĩ đến những vai trò mà họ mong muốn trong tình hình mới.

Dưới đây là những nhận định của nhà báo người Ấn Độ chuyên về các vấn đề Nam Á P.K.Balachandran trong bài viết đăng trên eurasiareview.com ngày 16/8.

Diễn biến nóng ở Afghanistan xuất hiện trên trang nhất báo chí ở Pakistan. (Nguồn: EPA)

Vai trò của Pakistan

Mỹ, vốn lâu nay dựa vào Pakistan để đưa một Taliban cố chấp vào bàn đàm phán ở Doha, hiện cáo buộc Pakistan vẫn cung cấp nơi trú ẩn và các căn cứ cho Taliban trên lãnh thổ nước này.

Lầu Năm Góc cho rằng "những nơi trú ẩn an toàn của khủng bố" dọc biên giới Pakistan-Afghanistan đang gây bất ổn ở bên trong Afghanistan. Washington đang thảo luận với giới lãnh đạo Islamabad để "đóng cửa" các địa điểm trú ẩn này.

Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John F. Kirby nói: “Tất cả chúng ta đều hiểu được tầm quan trọng của việc đóng cửa những nơi trú ẩn an toàn này của Taliban và không cho phép Taliban cũng như các mạng lưới khủng bố khác sử dụng chúng để gieo rắc mối bất hòa.

Chúng tôi cũng lưu ý rằng Pakistan và người dân nước này từng trở thành nạn nhân của các hoạt động khủng bố xảy ra tại khu vực đó”.

Trả lời báo chí, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết Mỹ đã bắt đầu coi Ấn Độ là đồng minh chiến lược ở khu vực này và không còn coi trọng Pakistan như trước.

Ông từng nhấn mạnh với Washington rằng Pakistan sẽ không cho phép Mỹ tiến hành các cuộc tấn công vào Afghanistan từ lãnh thổ của mình. Chính phủ Pakistan cũng tuyên bố sẽ không cho phép người tị nạn Afghanistan vào nước này, vì điều đó từng gây ra tình trạng hỗn loạn và khủng bố ở Pakistan.

Trong khi đó, Mỹ không nhận ra rằng Pakistan có quá nhiều việc phải làm để có thể gây ảnh hưởng đến Taliban, bởi lực lượng này đã mạnh lên rất nhiều. Họ cũng đã chứng tỏ ưu thế thông qua việc đưa ra những lời cảnh cáo đối với lực lượng Mỹ, đồng thời buộc các lực lượng của Mỹ phải rút lui.

Nếu sau cuộc lật đổ của Taliban, Mỹ vẫn theo đuổi kế hoạch gây bất ổn đối với một Afghanistan do Taliban cai trị - thông qua việc trang bị vũ khí cũng như viện trợ cho các lãnh chúa không thuộc Taliban và không thuộc bộ tộc Pashtun, có khả năng xảy ra một làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ về Pakistan.

Điều này cũng giống như khi các lực lượng Hồi giáo được Mỹ viện trợ để chống lại Liên Xô và khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu chiến đấu chống lại chế độ Taliban năm 2001.

Sau cuộc lật đổ của Taliban, vai trò của Pakistan là phải tìm được một vị trí phù hợp cho riêng mình. Đến nay, Pakistan chỉ có quan hệ hợp tác tình báo với Taliban, còn hầu như không tham gia bất kỳ hoạt động xây dựng nào của chính quyền Kabul.

Tuy nhiên, nước này có thể hợp tác với Trung Quốc trong các hoạt động phát triển ngay cả khi chỉ là đối tác cấp dưới, đồng thời giúp Trung Quốc liên lạc với chính quyền Taliban bằng cách tận dụng các mối liên hệ đã có từ lâu với Taliban.

Taliban là gián điệp và đồng minh tự nhiên của lực lượng Hồi giáo Pakistan. (Nguồn: GVS)

Vị thế của Ấn Độ

Ấn Độ, trong cuộc đàm phán giữa các bên ở Doha (Qatar) ngày 12/8, từng tuyên bố rõ ràng rằng nước này sẽ không hỗ trợ cả về không lực lẫn bộ binh để giúp chế độ Kabul, bất chấp nhiều năm hữu nghị và hợp tác với chế độ này.

Theo Financial Express, Ấn Độ không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ấn Độ lên kế hoạch hỗ trợ chính trị cho Taliban. Mặc dù đã có cuộc thảo luận không chính thức với Taliban, Ấn Độ luôn phản đối xu hướng độc quyền của Taliban.

New Delhi coi Taliban là gián điệp và đồng minh tự nhiên của lực lượng Hồi giáo Pakistan - đối thủ chính của họ ở Nam Á.

Ấn Độ đã liên tục ủng hộ các chính quyền đắc cử ở Kabul được Mỹ hậu thuẫn trước đây và đến nay đã viện trợ kinh tế cho Kabul tới 3 tỷ USD.

Không rõ chính xác Ấn Độ sẽ làm gì sau cuộc lật đổ của Taliban. Trong trường hợp chế độ Taliban có xu hướng chống lại Ấn Độ, New Delhi còn có lựa chọn bí mật hỗ trợ (với sự đồng tình của Mỹ) các lực lượng chống Taliban tiến hành cuộc chiến chống lại chế độ này.

Ngoài ra, Ấn Độ có thể chìa "củ cà rốt” bằng cách hỗ trợ phát triển đối với Taliban, chế độ được cho là đang mong muốn biến Afghanistan thành một quốc gia hướng phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội. Taliban đã duy trì một số dịch vụ công tại các khu vực mà họ kiểm soát.

New Delhi sẽ có động lực mạnh mẽ để tiếp tục đi theo con đường hỗ trợ phát triển trong bối cảnh Trung Quốc quan tâm đến việc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tới Afghanistan.

Trên thực tế, Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển của Afghanistan với nhiều hoạt động bao gồm giáo dục, nâng cao trình độ, y tế, thủy lợi, cung cấp nước và năng lượng.

Bất kỳ chính quyền nhạy bén nào của Afghanistan cũng sẽ tận dụng Ấn Độ để phát triển. Trên hết, Ấn Độ có quan hệ văn hóa lâu đời với Afghanistan.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng sáng lập phong trào Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar trong cuộc gặp ngày 28/7 tại Thiên Tân. (Nguồn: Twitter)

Thể diện của Trung Quốc

Ông David Kilcullen, Giáo sư nghiên cứu quốc tế và chính trị tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia cho rằng rõ ràng Trung Quốc "đã chỉ định Taliban là lực lượng nắm quyền cai trị tiếp theo tại Afghanistan".

Ý ông muốn nhắc tới cuộc gặp công khai hồi tháng 7 vừa qua giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Mullah Abdul Ghani Baradar - người đứng đầu ủy ban chính trị của Taliban.

Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng vào tháng 7, ông Vương Nghị đã phát tín hiệu rằng sự ủng hộ của Trung Quốc có thể phụ thuộc vào việc Taliban có giúp Trung Quốc chống lại các nhóm của người Duy Ngô Nhĩ, IS-K và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan hay không.

Nói rộng hơn, Trung Quốc đang có ý định duy trì các khoản đầu tư tài nguyên của mình ở Afghanistan.

Mặc dù BRI của nước này không bao gồm Afghanistan, nhưng đây là một tuyến đường trung chuyển quan trọng xuyên qua Trung Á để đến các quốc gia khác như Iran, nơi mà Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận kinh tế và an ninh kéo dài 25 năm.

Lợi ích của Nga

Trong phát biểu đầu tiên về diễn biến ở Afghanistan sau khi Taliban tiếm quyền, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng chính quyền Kabul đã sụp đổ sau khi các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Phát biểu tại Đại học Liên bang Baltic Immanuel Kant ngày 17/8, Ngoại trưởng Lavrov đã chỉ ra sự cần thiết phải hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều vấn đề khác nhau.

Ông nói: "Chúng ta phải hợp tác để giúp giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột trong khu vực. Điều này một lần nữa được thể hiện rất rõ ràng trong bối cảnh tình hình Afghanistan sụp đổ sau khi Mỹ và NATO vội vàng rút quân".

Giống như Trung Quốc, Nga sẽ quan tâm đến việc thiết lập các mối quan hệ kinh tế và chính trị với Taliban để bảo vệ lợi ích của mình. Bằng mọi khả năng, Nga sẽ phối hợp với Trung Quốc trong vấn đề này, đổi lại Trung Quốc có thể mời đồng minh của họ là Pakistan tham gia hỗ trợ.

Với việc Mỹ ngày càng nghiêng về phía Ấn Độ - đối tác trong Bộ tứ (Quad) và cũng là đối tác chiến lược ở Nam Á, Nga, Trung Quốc và Pakistan sẽ tạo thành một khối liên minh trong các vấn đề Afghanistan.

***

Nhìn chung, thế giới có lẽ sẽ phải gồng mình lên để chứng kiến không phải một cuộc chiến tranh nóng thì cũng là một cuộc chiến tranh lạnh ở Afghanistan giữa các cường quốc khu vực và thế giới.

Mọi chuyện chủ yếu sẽ phụ thuộc vào cách Taliban định hình nên những kẻ thống trị.

Taliban có thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu đã công bố là thành lập một Vương quốc Hồi giáo do người Pashtun thống trị, có quan điểm cứng rắn, chống lại tất cả các đối thủ, những người không thuộc bộ tộc Pashtun và những người chỉ trích.

Theo kịch bản đó, Afghanistan sẽ lại rơi vào một cuộc chiến tranh nóng, trong đó các nước lớn sẽ “đục nước béo cò” dựa trên những khó khăn mà Afghanistan phải đối mặt.

Còn nếu Taliban chọn con đường ôn hòa và định hướng phát triển, Afghanistan sẽ có thể để lại sau lưng một giai đoạn tàn khốc kéo dài trong lịch sử nước này.

(theo Eurasia Review)