Back to E-magazine
e magazine
09:30 | 11/04/2021
Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

09:30 | 11/04/2021

TGVN. Đúng là mạng xã hội nếu biết sử dụng đúng cách thì tác dụng lan toả thông tin rất lớn…
Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Đúng là mạng xã hội nếu biết sử dụng đúng cách thì tác dụng lan toả thông tin rất lớn…

Tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao từ năm 1981, tức là cách đây gần 40 năm - thời chưa có Internet hay mạng xã hội. Ở trường Đại học Ngoại giao, chúng tôi được học môn đánh máy chữ. Lúc đó, là cán bộ ngoại giao trẻ mà biết đánh máy chữ bằng cả mười đầu ngón tay, nhanh gần như một văn thư chuyên nghiệp, “oách” lắm!

Thực tế, tôi cũng thường được đồng chí Thủ trưởng trực tiếp lúc đó “tin dùng” giao luôn việc đánh máy các văn bản tài liệu cho Thủ trưởng vì chữ Thủ trưởng nhỏ, viết vội, văn thư nhiều khi không hiểu được nội dung, chỉ đoán mò nên đánh máy sai. Mà cứ sai một hai chữ là lại phải đánh máy lại cả trang luôn, không “copy and paste” được, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Khi tôi sang công tác tại Đại sứ quán (ĐSQ) ta ở Bắc Kinh đầu những năm 1990, tôi được cử làm thư ký Đại sứ kiêm phiên dịch và là bí thư phụ trách báo chí. Thế là suốt tuần loay hoay làm bản tin sứ quán với cái máy chữ và máy in rô-nê-ô, mỗi lần in ra được vài trăm bản tin là hai tay lấm đen đầy mực in. Rồi cho bản tin vào từng phong bì để gửi đi các nơi.

Vất vả mà số lượng người nhận được bản tin của ĐSQ cũng chỉ là vài trăm. Và cũng chẳng biết có bao nhiêu người mở ra đọc bản tin của mình vì không có tương tác qua lại, không nhận được phản hồi nào cả.

Đến năm cuối nhiệm kỳ, cả ĐSQ mới được cấp một cái máy tính, vậy là mấy cán bộ trẻ trong Sứ quán bắt đầu mày mò tự học cách dùng máy tính, lúc đó cũng chủ yếu để đánh máy văn bản, tài liệu thôi.

Năm 1996, tôi nhận được học bổng Fulbright sang Mỹ học cao học, những bài học đầu tiên của chúng tôi bên đó là học cách sử dụng email, cách tra cứu Internet... Toàn là những vấn đề mới mẻ với mình cả.

Tôi đặc biệt bị “lôi cuốn” bởi các mạng thông tin thư viện điện tử của các trường đại học của Mỹ. Đúng là một kho tàng kiến thức khổng lồ. Có những vấn đề mình chưa hề nghe nói đến trước đó nhưng chỉ nhờ tra cứu trên thư viện điện tử của trường mà sau một tuần là mình có thể viết một bài luận sâu sắc như thể mình là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực đó vậy.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường và ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam Đại học Harvard, người sáng lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Đại học Fulbright Việt Nam tại Đại học Harvard, năm 2013.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Học ở Mỹ về nước cuối năm 1997, tôi nhận thấy ở Bộ Ngoại giao ta lúc đó vẫn chưa ai sử dụng email trong công việc cả. Tôi nhớ ở Văn phòng Bộ và Phòng Thông tin lúc đó có một bộ phận chuyên làm tin A, sau đó lại fax bản tin A đó cho từng cơ quan đại diện của ta ở các nước. Nhiều khi tin A ra đến Đại sứ quán thì trang rõ, trang mờ, có khi mất cả trang luôn, lại gọi điện thoại về Nhà đề nghị fax lại.

Những thông tin công khai của các Cơ quan đại diện ta gửi về nước cũng chủ yếu là qua máy fax như vậy. Vừa mất thời gian, vừa tốn kém. Chưa kể là còn chênh lệch múi giờ giữa trong và ngoài nước nữa. Lại thêm phải cử người trực đêm để xử lý việc gửi, nhận thông tin kiểu này.

Tôi đã “mạnh dạn” kiến nghị và may mắn là được Lãnh đạo Bộ thời ấy chấp thuận, đó là yêu cầu tất cả các Cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài phải lập tài khoản email riêng và từ đó các bản tin A cũng như các tài liệu công khai khác của Bộ gửi ra bên ngoài đều được gửi qua email cả.

Chỉ một cái click là xong.

Tất cả các cơ quan đại diện ta trên khắp thế giới đều nhận được các tập tài liệu đầy đủ, rõ ràng, lại còn có thể lưu giữ trên máy tính để sử dụng lâu dài được.

Hồi đó, sáng kiến được chấp nhận là mừng lắm rồi, nên quên mất việc đòi thưởng!

Một chi tiết thú vị là chỉ một năm sau, tức là vào năm 1998, tôi lại có dịp tham gia đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam sang Mỹ học tập kinh nghiệm về cải cách hành chính.

Đến Văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ lúc đó, khi trao đổi danh thiếp với nhau thì anh Chánh Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ tinh ý nhận xét vui ngay là Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đi nhanh hơn Bộ Ngoại giao Mỹ về cải cách hành chính.

Bởi vì trong danh thiếp của cả 4 cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam đều có địa chỉ email riêng cả, trong khi lúc đó thì ngay ở Bộ Ngoại giao Mỹ chưa phải phổ biến ai cũng có địa chỉ email riêng.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Những năm sau này, Internet và các trang mạng xã hội ngày càng được phổ cập. Khi tôi được cử đi công tác nhiệm kỳ sau này như làm Người thứ hai (DCM) tại ĐSQ ta ở Canada (2002-2005), hay làm Đại sứ Việt Nam ở Mỹ (2011-2014) và Nhật Bản (2015-2018), tôi luôn quan tâm đến việc sử dụng mạng xã hội trong công tác, trước tiên là việc lập mới trang web của ĐSQ ta ở Canada, hay cập nhật và cải tiến ứng dụng các trang web đã có từ trước của Đại sứ quán ta ở Mỹ và Nhật Bản.

Tất cả thông tin cần biết về Việt Nam cũng như các thủ tục về lãnh sự, bảo hộ công dân đều được hướng dẫn cụ thể trên các trang web, tiện lợi cho mọi người sử dụng. Cán bộ ĐSQ lại đỡ mất thời gian phải trả lời những câu hỏi thông thường nữa. Hoạt động của Đại sứ cũng như các cán bộ của ĐSQ cũng được thường xuyên cập nhật.

Đơn cử như khi tôi sang Nhật Bản công tác, tôi thấy trang web cũ của ĐSQ được kết nối với trang web của Bộ, chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi người dân Nhật Bản có thói quen sử dụng tiếng Nhật là chính, vì thế trang web của ĐSQ ta ở Nhật lúc đó hầu như có rất ít người Nhật Bản truy cập.

Tôi quyết định lập một trang web riêng của ĐSQ bằng cả ba ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật, và chỉ trong thời gian ngắn số người truy cập trang web của Đại sứ quán đã lên đến vài chục nghìn, rồi vài trăm ngàn người.

Nhiều bạn bè Nhật Bản cho biết họ rất phấn khởi khi theo dõi qua trang web của ĐSQ những hình ảnh và tin tức về chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước đầu tiên của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu đã được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón tiếp rất trọng thị và thân tình. Họ cũng rất vui khi biết tin Đại sứ ta đã đi thăm và làm việc tại tất cả 47 tỉnh của Nhật Bản...

Tất nhiên, để “nuôi” cho trang web sống động, ĐSQ đã phải cử cán bộ chuyên trách và hằng tuần, tôi đều trực tiếp kiểm tra và cho ý kiến về các thông tin đưa lên trang web của ĐSQ.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản đã có chuyến thăm Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, năm 2017.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Facebook được sáng lập vào năm 2005 và nhanh chóng được phổ cập trên toàn thế giới. Tôi bắt đầu “chơi” Facebook vào đầu những năm 2010. Gọi là “chơi”, nhưng chủ yếu là lập tài khoản Facebook cá nhân nhằm xem các con của mình giao lưu gì với bạn bè trên mạng.

Khi tôi sang làm Đại sứ ở Mỹ vào giữa năm 2011 thì tôi bắt đầu “chơi” Facebook nhiều hơn, chấp nhận kết bạn với nhiều người hơn trên mạng xã hội này. Thời đó cũng được coi là “chơi” liều thôi vì trong nước vẫn còn nhiều cơ quan “dị ứng” với mạng xã hội, không cấm cán bộ ta chơi, nhưng cũng không khuyến khích.

Quan trọng là từng cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cần hiểu trách nhiệm của mình như thế nào. Cái gì đưa lên mạng được, cái gì thì không nên.

Và tôi nhận thấy hiệu quả thông tin qua mạng xã hội này quả là lớn. Thay vì lọ mọ in bản tin như trước đây và gửi cho vài ba trăm người theo địa chỉ định sẵn, thì nay chỉ cần với vài thao tác nhanh gọn đã có thể chuyển tải thông tin tới hàng ngàn người.

Những thông tin đó nếu là thú vị lại được bạn bè tiếp tục chia sẻ rộng rãi hơn nữa, cứ thế mà nhân lên. Rồi mình cũng nhận được các phản hồi, comment của bạn bè, của mọi người ngay tức thì.

Mạng xã hội cũng là một kênh để tôi tiếp nhận thêm thông tin về những vấn đề mình quan tâm, những phản ánh của người dân để mình có thể làm tốt hơn công việc. Cũng là kênh để mình học hỏi các Đại sứ khác, học hỏi bạn bè qua những kinh nghiệm tốt của họ.

Nhiều người đã biết đến các hoạt động của Đại sứ ta ở Mỹ hơn khi các trang mạng xã hội, báo mạng đăng tải và chia sẻ bài phỏng vấn trực tiếp của tôi cho đài truyền hình CNN về vụ Trung Quốc đưa dàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014.

Đây không chỉ là vấn đề hình ảnh cá nhân mình mà quan trọng hơn là để nhiều bạn bè quốc tế hiểu hơn về lập trường chính nghĩa của Việt Nam, cũng như về quyết tâm không gì lay chuyển nổi của người dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Cũng là dịp để người dân trong nước hiểu hơn về công việc rất đáng tự hào của các nhà ngoại giao Việt Nam.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn trực tiếp cho đài truyền hình CNN về vụ Trung Quốc đưa dàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Nhiều năm sau đó, khi sang làm Đại sứ tại Nhật Bản hay đã trở về nước làm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tôi đã gặp nhiều người trong cộng đồng người Việt ở các nước, họ chủ động đến gặp tôi để bày tỏ tán thưởng và đồng tình với bài trả lời phỏng vấn của tôi và thế là tôi lại có thêm nhiều bạn bè mới ở khắp nơi.

Có lần tôi đưa trên trang Facebook cá nhân hoạt động Đại sứ cùng Thương vụ ĐSQ ta đi “bán” xoài Việt Nam tại một siêu thị ở Nhật Bản. Người Nhật Bản có văn hoá là khi gặp gỡ nhau hay tặng nhau những món quà nhỏ. Nhiều thống đốc các tỉnh của Nhật Bản khi đến gặp tôi tại ĐSQ cũng hay mang các sản phẩm của địa phương mình làm quà tặng, khi thì bao gạo nhỏ, khi thì vài quả dưa, hay những quả táo, thậm chí là ít rau xanh để tặng Đại sứ.

Tôi cũng học theo văn hoá này của người Nhật và khi đến gặp các lãnh đạo Nhật Bản, từ Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, các Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Nông nghiệp..., tôi đều mang theo những trái xoài của Việt Nam làm quà biếu. Tôi cũng gửi thư và xoài Cát Chu của ta cho Thủ tướng Nhật Bản và văn phòng của ông.

Các lãnh đạo Nhật Bản vui vẻ nhận quà và mấy hôm sau đều có phản hồi, khen xoài Việt Nam rất ngon.

Một số báo chí, trang mạng của ta đã đăng lại những hoạt động và hình ảnh Đại sứ Việt Nam đi tiếp thị xoài và chẳng biết từ đâu tôi bắt đầu được gọi bằng cái tên thân mật là “Đại sứ Xoài”. Có lãnh đạo Việt Nam khi gặp tôi cũng vui vẻ chào “Đại sứ Xoài”, cởi mở và thân tình.

Thật vui khi thấy cả lãnh đạo và nhiều người dân hiểu hơn về những việc làm cụ thể của các nhà ngoại giao Việt Nam đi quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam ở các nước như vậy. Thời buổi ngoại giao kiến tạo, phục vụ phát triển kinh tế và đồng hành cùng các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam mà.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trong lần quảng bá xoài Việt Nam tại siêu thị Aeon Nhật Bản.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Đúng là mạng xã hội nếu biết sử dụng đúng cách thì tác dụng lan toả thông tin rất lớn. Tất nhiên khi sử dụng mạng xã hội, ta cũng cần biết và sẵn sàng ứng phó với những thông tin sai lệch trên mạng, nhưng không vì những thông tin sai lệch đó mà ta lại lẩn tránh mạng xã hội. Làm như vậy vô tình ta lại để trống “trận địa” vô cùng lợi hại này cho những thế lực thù địch sử dụng.

Tôi nhớ có lần có người chia sẻ lên trang Facebook của tôi tin một phụ nữ Việt Nam bị cán bộ ngoại giao ta mạt sát, thậm chí bị đánh chảy cả máu đầu ngay tại phòng lãnh sự của ĐSQ trước sự chứng kiến của cả cảnh sát và người dân Nhật và đề nghị tôi trả lời. Một số người cũng vội vã tin ngay và có ý trông chờ xem tôi phản ứng như thế nào.

Sau khi kiểm tra thông tin, tôi đã trả lời ngay trên mạng xã hội, khẳng định đây là thông tin bịa đặt với dụng ý xấu, thông tin này đã được đưa đi đưa lại nhiều lần trên các trang mạng khác nhau trong suốt 10 năm nay rồi.

Hơn nữa, thiết kế phòng lãnh sự tiếp dân qua cửa kính, mọi hoạt động của cán bộ cũng như người dân tại phòng tiếp đó đều có camera giám sát và ghi hình lại, nên tôi khẳng định là không thể có chuyện cán bộ lãnh sự đánh dân như vậy được.

Lại còn trước mặt cảnh sát và người dân Nhật Bản nữa mà họ lại “để yên” cho qua à?

Các cán bộ ngoại giao Việt Nam cũng là những người được đào tạo bài bản, có ý thức tổ chức kỷ luật cao và cư xử văn minh, không phải kiểu “đầu đường xó chợ”.

Rồi tôi đề nghị người đó tôn trọng quyền riêng tư của tôi, không đưa những thông tin không có kiểm chứng như vậy lên trang mạng xã hội của cá nhân tôi. Sau đó, họ đã tự rút thông tin đó khỏi trang mạng của tôi.

Khi Đại sứ “chơi” mạng xã hội

Ngày nay, nhiều Đại sứ, cán bộ ngoại giao ta đã sử dụng mạng xã hội rất tích cực và hiệu quả. Đó là việc làm đáng hoan nghênh. Ngoại giao các nước trên thế giới đều sử dụng cả, từ Facebook, Twitter đến Youtube, Blog...

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (tháng 8/2018) đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Ngoại giao công chúng, Ngoại giao kỹ thuật số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Ai đi chậm sẽ bị tụt hậu.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định sự cần thiết phải sử dụng hiệu quả các mạng xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như trong việc đấu tranh chống những thông tin sai lệch, chống phá.

Đồng thời, mạng xã hội là một kênh thông tin quan trọng để chúng ta tiếp thu những đóng góp xây dựng và có trách nhiệm của người dân, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Các cán bộ ngoại giao trẻ của ta hiện nay lại sớm được tiếp cận với Internet, với công nghệ thông tin nên nhiều cán bộ ta rất giỏi về lĩnh vực này.

Đó là lợi thế rất lớn để các cán bộ ngoại giao trẻ chúng ta khẳng định mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho Ngành, bằng nhiều hình thức sáng tạo sử dụng kỹ thuật số để đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, đang tích cực, chủ động đổi mới và hội nhập, người dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình, thân thiện và mến khách đến với nhiều bạn bè quốc tế năm châu bốn biển nhiều hơn nữa, qua đó góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Đó là mong ước, gửi gắm của tôi đối với các cán bộ ngoại giao trẻ của Ngành.

Thực hiện: Hạnh Diễm

Đồ họa: Minh Nhật

Ảnh: TTXVN, Vietnamnet...

Đọc thêm

Chủ tịch Kocham: Cơ hội đã mở với Việt Nam!

Chủ tịch Kocham: Cơ hội đã mở với Việt Nam!

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) vui mừng chia sẻ với phóng viên TG&VN rằng, năm 2023, loạt nhà đầu tư lớn đình đám thế giới đã đến Việt Nam và cam kết “rót tiền” vào lĩnh vực công nghệ cao. Đầu tư vào công nghệ cao, chất bán dẫn cũng sẽ thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư của Hàn Quốc trong tương lai.
Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới bước sang năm con rồng, với những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể dự báo trước về địa chính trị và địa kinh tế. Những đột phá mới về khoa học - công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược sẽ giúp nền kinh tế thế giới vượt qua những “cơn gió ngược” và tiếp tục tạo động lực cho sự thay đổi tương quan quyền lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.