📞

Khi đạo đức kinh doanh xuống dốc, người tiêu dùng phải tự cứu mình

13:32 | 21/04/2018
Qua những vụ việc thực phẩm bẩn, kém chất lượng, tôi cảm thấy buồn về đạo đức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh. (Ảnh: NVCC)

Từ lâu lắm rồi, tôi không dám uống cà phê dạo, cà phê cóc; thuốc men luôn phải mua trong nhà thuốc của bệnh viện, do bác sĩ kê đơn hoặc có nguồn chính thức chứ không mua hàng trôi nổi bên ngoài. ​

Vấn nạn làm hàng giả ở nước ta đã có từ lâu. Tuy vậy, việc làm giả đối với những mặt hàng như thuốc trị ung thư gần đây là hành động vô cảm, giáng thêm một đòn đau vào tâm lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân - những người đang trong tâm trạng tuyệt vọng; việc trộn bột pin với cà phê mới bị phanh phui không khác gì hành động đầu độc người tiêu dùng. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất ở đây là đạo đức của người sản xuất và đạo đức của cơ quan quản lý mặt hàng.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi cơ quan Nhà nước và người sản xuất thay đổi, mỗi người tiêu dùng phải lo tự cứu lấy mình. Thực ra, trên thế giới, ở nước nào cũng xảy ra hiện tượng thuốc kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo. Nhất là ở những nước đang phát triển, việc tuân thủ pháp luật và ý thức của người sản xuất, kinh doanh chưa cao và quản lý cũng chưa hiệu quả như ở Việt Nam, để có thể sống an toàn, người tiêu dùng không thể cứ tiếp tục ngồi chờ người khác bảo vệ mình.

Tự bảo vệ mình có nghĩa mỗi người phải là người tiêu dùng thông minh. Thứ nhất, nếu sử dụng thuốc men hay thực phẩm (cụ thể như cà phê) thì nên có nhãn mác, đóng gói và có xuất xứ rõ ràng chứ không nên chỉ chạy theo giá cả. Thứ hai, cần lắng nghe cơ thể và sức khoẻ của chính mình để cảm nhận và đánh giá về sản phẩm.

Người tiêu dùng nên tự chịu trách nhiệm về sự an toàn của mình bởi không ai cứu được mình bằng chính mình. Chúng ta không thể mãi tiếp tục ăn uống, tiêu dùng không suy nghĩ, thích tiện, ngon bổ rẻ mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Đừng giao phó sự an toàn của mình và người thân mình cho người khác mà cần có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình hơn.

Thuốc trị ung thư bằng bột than tre khiến dư luận hoang mang. (Nguồn: Lao động)

Về vụ việc trộn bột pin với bột cà phê vừa qua, những kẻ sản xuất "cà phê pin" có khác gì kẻ thù, đánh cắp niềm tin, làm cho những người tiêu dùng như chúng ta không còn dám uống ở những quán cà phê nhỏ lẻ? 

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người kinh doanh nhỏ lẻ, không nên vì cái lợi trước mắt mà lơ là, đại khái cho qua với chất lượng mặt hàng mình kinh doanh. Họ cần phải quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm, có trách nhiệm với thực phẩm đưa tới cho người tiêu dùng. Dù rằng, việc chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm cũng không phải dễ dàng nhưng nếu có sự thay đổi từ nhận thức một cách toàn diện, yêu cầu cao hơn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào, chắc chắn, công việc kinh doanh của họ sẽ thuận lợi bởi mặt hàng cà phê sẽ ra thị trường với chất lượng tốt hơn, đáp ứng mong đợi của người sử dụng.

Về lâu dài, Hiệp hội Người Tiêu dùng phải hoạt động tích cực hơn. Người tiêu dùng như chúng tôi muốn Hội lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng một cách thiết thực hơn.

Cà phê trộn pin đang đầu độc người tiêu dùng. (Nguồn: Zing)

Được biết, các nước châu Âu kiểm soát chất lượng thực phẩm rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn, Nhật Bản là nước quan tâm rất nhiều đến đầu ra sản phẩm. Với họ, kiểm soát tốt chất lượng hàng hoá nói chung và thực phẩm nói riêng là khâu vô cùng quan trọng. Không quốc gia nào có riêng đội ngũ nhân lực đảm bảo có thể đi đến từng ruộng, từng trang trại, từng cơ sở để kiểm tra bởi đó mới chỉ là hướng giải quyết nhỏ lẻ, vi mô. Khâu quan trọng nhất là quản lý thực phẩm đưa ra thị trường có đảm bảo hay không.

Tôi nghĩ, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần khắt khe hơn trong các chế tài xử phạt. Cần phải có những biện pháp cụ thể để xử phạt những kẻ có trách nhiệm quản lý trực tiếp. Luật pháp phải nghiêm minh hơn, công tác thực thi phải chặt chẽ hơn. và những kẻ không làm tròn trách nhiệm cần phải bị trừng trị trước pháp luật. Các vấn đề như trên nếu được xử lý nhanh, kịp thời và rốt ráo thì mới lấy lại được niềm tin của công chúng.

(Đại học Ngoại Thương Hà Nội)