BRICS sẽ ảnh hưởng đến đồng USD như thế nào? Ảnh minh họa. (Nguồn: Nasdaq) |
Theo bài viết trên trang National Interest, theo thời gian, khối BRICS đã chuyển đổi từ lý thuyết đơn thuần trong suy nghĩ của những người ở Phố Wall hồi đầu thế kỷ XXI để dần phát triển thành một “con dao tài chính” nhắm vào trung tâm của hệ thống kinh tế do Mỹ dẫn dắt.
"Trái tim đang đập" của nền kinh tế toàn cầu
Mỹ đã giành được vị trí trung tâm thương mại quốc tế vào giữa thế kỷ XX. Sau Thế chiến I, Mỹ trở thành chủ nợ ròng cho phần còn lại của các cường quốc đã kiệt quệ trên thế giới. Một lần nữa, vào cuối Thế chiến II, như Peter Hitchens ghi lại trong cuốn “Chiến thắng giả tạo: Ảo tưởng về Thế chiến II”, Washington đã dành nhiều thời gian để xóa bỏ vị thế thống trị một thời của London trong nền kinh tế thế giới.
Từ đó, Mỹ duy trì vị thế thống trị kinh tế liên tục trong suốt thế kỷ XX bằng cách cô lập và kiềm chế đối thủ chính của mình trong Chiến tranh Lạnh là Liên Xô. Bị cô lập về mặt kinh tế với phần còn lại của thế giới, Liên Xô không thể cạnh tranh lâu dài với Mỹ. Hơn nữa, trong thời kỳ này, Mỹ đã bảo đảm được vị trí của đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ chính.
Khi dầu mỏ được giao dịch bằng đồng USD, đồng bạc xanh của Mỹ thậm chí càng mạnh hơn trước. Vì Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) có thể tự in tiền bất cứ khi nào họ cần, điều mà họ luôn làm, Mỹ có thể tự tài trợ cho chính họ theo những cách mà không quốc gia nào trên thế giới có thể làm.
Mỹ là nền kinh tế công nghiệp hóa duy nhất vẫn đứng vững sau Thế chiến II. Khi phần còn lại của thế giới phục hồi, Mỹ đi trước các đối thủ cạnh tranh kinh tế tiềm năng của họ từ 15-20 năm. Tất cả những yếu tố này đã tạo ra một vòng phản hồi tích cực, bảo đảm rằng chừng nào Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế thống trị hệ thống toàn cầu, thâm hụt sẽ không thành vấn đề. Mỹ có thể chi tiêu hào phóng như họ muốn. Washington cũng có thể sử dụng vị trí quyền lực thống trị hệ thống tài chính thế giới của họ để tạo ra các vũ khí tài chính có sức tàn phá lớn, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt, nhằm gây tổn hại cho các quốc gia cạnh tranh hay mâu thuẫn với Mỹ.
Cơ quan chính sách đối ngoại của Mỹ đã quen với điều này. Các biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, Iran hay Triều Tiên, đã cho thấy tác dụng. Ý tưởng của Washington là sử dụng đòn bẩy kinh tế để làm nghèo các đối thủ của Mỹ, thay vì mạo hiểm gây chiến trực tiếp với họ.
Lạm dụng vị thế thống trị
Tuy nhiên, tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt theo thời gian đã bị nghi ngờ một cách có cơ sở. Washington cho rằng họ có thể trừng phạt các cường quốc khác, chẳng hạn như Nga.
Mọi thứ chỉ bắt đầu trở nên tồi tệ hơn đối với Nga khi xung đột ở Ukraine bùng phát vào năm 2022. Tuy vậy, điều bất ngờ đã xảy ra. Sau khi cú sốc ban đầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây qua đi, nền kinh tế Nga không những sống sót mà còn bắt đầu phát triển mạnh, ngay cả khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đồng thời, nền kinh tế Mỹ phải trải qua thời kỳ hỗn loạn của chính họ. Đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa toàn cầu sau đó đã phá vỡ chuỗi cung ứng mong manh. Hơn nữa, cả chính quyền cựu Tổng thống Trump và Tổng thống đương nhiệm Biden đều tăng chi tiêu ngân sách một cách “vô trách nhiệm”, đầu tiên là để chống lại sự suy thoái kinh tế do các lệnh phong tỏa gây ra, sau đó là để kích thích nền kinh tế đang ốm yếu (nhưng không có tác dụng).
Kết quả là lạm phát tăng vọt và lãi suất cũng vậy. Giá cả trở nên không thể chấp nhận được. Những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu - trụ cột của nền kinh tế Mỹ - rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng.
Nhìn vào những xu hướng này, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở Nam bán cầu, bắt đầu nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ không thể tiếp tục phát triển. Nga và Trung Quốc, cảm thấy bị đe dọa bởi việc Mỹ sẵn sàng sử dụng đòn bẩy kinh tế của họ một cách bừa bãi, đã quyết định biến BRICS thành một thứ gì đó không chỉ là một thuật ngữ viết tắt nghe có vẻ hay ho.
Thách thức nhãn tiền
Các đối thủ phương Tây cho rằng dù điều gì xảy ra, khối BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn đầu sẽ không bao giờ có thể thách thức trật tự kinh tế do Mỹ thống trị.
Tuy vậy, nền kinh tế Mỹ có vẻ không còn mạnh như trước đây. Thêm vào đó, nhiều quốc gia khác ở Nam bán cầu lo ngại rằng, đồng USD được vũ khí hóa có thể được sử dụng để chống lại họ và họ đang tìm kiếm giải pháp phòng ngừa điều đó.
Người ta cho rằng có lý do giải thích nguyên nhân tại sao nợ công và thâm hụt ngoài tầm kiểm soát của Mỹ lại quan trọng.
Với mức thâm hụt 1,5 nghìn tỷ USD, nợ công 35 nghìn tỷ USD và 1 nghìn tỷ USD tiền lãi phải trả trong năm nay, nếu đồng USD không còn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới và đột nhiên xuất hiện một đối thủ thực sự của đồng bạc xanh, toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ sẽ sụp đổ.
Chiến thắng cuối cùng cho Trung Quốc, Nga và rất nhiều đối thủ khác của Mỹ sẽ là làm tê liệt nền kinh tế Mỹ bằng cách xóa bỏ sự thống trị của đồng USD. Một khi đồng USD bị lật đổ, theo thời gian, việc in và chi tiêu đồng tiền của chính Mỹ trong mỗi năm tài chính trở nên bất khả thi.
"Quái vật" tiềm tàng
Theo bài viết, Đô đốc Hải quân Mỹ Mike Mullen có câu nói nổi tiếng rằng nợ công của Mỹ là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt. Ông ấy đã đúng.
Với việc phải gánh khoản nợ công khổng lồ và không ngừng chồng chất thêm trong khi sử dụng vị thế thống trị của đồng USD như một “cây gậy” chống lại các cường quốc khác, Washington đã tạo ra các điều kiện cần để biến khối BRICS nhỏ bé thành một "quái vật" thực sự đối với toàn bộ khu vực trong vài thập kỷ tới.
Khi điều đó xảy ra, cuộc sống ở Mỹ sẽ nhanh chóng trở nên ảm đạm và nước Mỹ từ siêu cường chỉ sau một đêm sẽ trở thành một cường quốc tầm trung đang đến hồi suy vong. Đó là những rủi ro khi khối kinh tế BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn đầu đang dần gắn kết với nhau.