Trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, EU tích cực lấp đầy các kho dự trữ trước khi mùa Đông tới. (Nguồn: bne IntelliNews) |
Nguy cơ hiện hữu
Ngày 3/6, giá hợp đồng khí đốt tại trung tâm TTF của Hà Lan tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 tháng. Điều này diễn ra sau đợt tăng giá trước đó, bắt đầu vào cuối tháng 5, do nguy cơ gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga có thể cắt nguồn cung cấp cho tập đoàn dầu khí OMV của Áo.
Hợp đồng TTF tháng 7 đã vượt 36€ mỗi MWh (412 USD/1.000 mét khối) vào ngày 3/6 - mức cao nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái và tăng từ mức dưới 30€ mỗi MWh vào giữa tháng 5 vừa qua. Một đường ống bị nứt tại giàn ống đứng Sleipner của Na Uy đã hạn chế nguồn cung cấp khí đốt của nước này sang châu Âu. Tuy nhiên, giá đã giảm vào ngày 4/6 sau khi được xác nhận rằng việc đường ống ngừng hoạt động sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày.
Việc giá khí đốt tăng đột biến cho thấy châu Âu vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung, mặc dù đã vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất. Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), chiếm 30% nguồn cung của khối vào năm ngoái, đã thay thế Nga trong vai trò này vào năm 2022 do Gazprom cắt giảm mạnh lượng cung cấp.
Tin liên quan |
Ảnh ấn tượng (3-9/6): Nga-Ukraine trao đổi tù binh lần thứ 52, ông Putin bác tin có kế hoạch tấn công NATO, Mỹ-Pháp hóa giải bất đồng |
Nhà phân tích Christoph Halser của công ty tư vấn Rystad Energy cho biết: “Giá khí đốt tăng trên khắp các thị trường vào ngày 3/6 cho thấy câu chuyện về tính dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Tại châu Âu, giá tăng vọt do các vấn đề tại nhà máy Nyhamna do Gassco vận hành ở Na Uy, trong khi ở châu Á, những đợt nắng nóng khốc liệt làm căng thẳng các hệ thống năng lượng dựa vào khí đốt”.
Đồng thời, Mỹ đang chứng kiến nhiệt độ cao ở vùng Tây Nam, điều này đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện trong khi sản lượng khí đốt tạm thời giảm.
Ông nói: “Những sự kiện này nêu bật mức độ nhạy cảm của việc cân bằng nguồn cung khí đốt giữa các khu vực trên thế giới”.
Áo đối mặt với rủi ro nguồn cung
Giá đã tăng cao hơn ở châu Âu kể từ cuối tháng 5, khi tập đoàn dầu khí OMV của Áo cảnh báo rằng, nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom có thể bị dừng do liên quan đến phán quyết của một tòa án nước ngoài. OMV khẳng định, họ đã biết về khả năng đình chỉ thông qua phán quyết của một công ty năng lượng lớn ở châu Âu mà họ không nêu tên. Tập đoàn của Áo nói có thể tìm nguồn thay thế để bù đắp nguồn cung bị mất của Nga, bao gồm cả khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Na Uy.
Tờ Kommersant có trụ sở tại Moscow dẫn các nguồn tin cho biết, vụ kiện được đề cập có thể là vụ việc do Tập đoàn khí đốt Uniper của Đức đệ trình, dẫn đến việc có thể làm gián đoạn các khoản thanh toán của OMV cho công ty Gazprom Export ở Luxembourg.
Các nhà phân tích được Kommersant khảo sát tin rằng, phán quyết như vậy của tòa án có thể áp dụng cho những người mua khí đốt khác của Gazprom ở châu Âu và bản thân tập đoàn này có nguy cơ mất tới 1,35-1,45 tỷ USD doanh thu từ các hợp đồng với OMV.
Gazprom Export có hợp đồng cung cấp cho OMV tới 8 tỷ mét khối khí đốt hằng năm cho đến năm 2040 và công ty đã giao khoảng 4,82 tỷ mét khối vào năm 2023. Dựa trên giá cung cấp trung bình cho thị trường châu Âu, Gazprom có thể lỗ khoảng 1,35-1,45 tỷ đồng về doanh thu.
Mức dự trữ ở châu Âu khá thoải mái, với gần 80 tỷ mét khối khí đốt trong kho, chiếm 70,6% công suất, vào ngày 3/6.
Theo Rystad, trong 7 ngày kết thúc vào ngày 4/6, lưu lượng khí đốt của Na Uy đã giảm 4,6% so với tuần trước đó, ở mức 263,5 triệu mét khối mỗi ngày, trong khi lưu lượng qua đường ống của Nga giảm 7% xuống 95,3 triệu mét khối mỗi ngày. Tuy nhiên, nguồn cung của Nga đã tăng đều đặn trong hầu hết thời gian của năm nay, với lượng giao hàng lên tới 2,5 tỷ mét khối khí đốt trong tháng 5, tăng từ 1,8 tỷ mét khối cùng kỳ năm ngoái và tăng 28% kể từ đầu năm.
Đơn vị tư vấn Rystad khẳng định, điều này và nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện yếu đã khiến việc giao LNG đến châu Âu trong tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, giảm 7,4% so với tháng trước, ở mức 8,52 triệu tấn. Công ty cho biết, nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện của lục địa này giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6 TWh.
Dòng khí đốt của Nga sang châu Âu hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trước xung đột ở Ukraine (tháng 2/2022), nhưng nó vẫn chiếm một phần khá lớn trong tổng nguồn cung cho thị trường, và do đó, việc cắt giảm thêm nhiều khả năng khiến giá tăng vọt. (Nguồn: TASS) |
Nỗ lực chính sách
Về phát triển chính sách, ngày 30/5, chính phủ Đức thông báo, kể từ năm 2025, Berlin sẽ bỏ khoản thuế gây tranh cãi đối với việc lưu trữ khí đốt tự nhiên mà các nước ở Trung Âu đã phải trả để vận chuyển khí đốt qua đường ống dẫn khí của Đức.
Động thái trên được EU và một số nước láng giềng Trung và Đông Âu của Đức hoan nghênh. Trước đó, các quốc gia này phàn nàn rằng, khoản thuế trên làm suy yếu sự đoàn kết năng lượng của khối và ảnh hưởng đến những nỗ lực đa dạng hóa nguồn khí đốt trong kế hoạch thoát khỏi hàng của Nga. Hiện các nước Trung Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga như nguồn LNG nhập khẩu qua Đức cũng như hàng từ khu vực Biển Bắc.
Trước đó, Đức thiết lập khoản thuế trên nhằm bù đắp chi phí nước này đã bỏ ra để lấp đầy các kho chứa khí đốt của mình kể từ mùa Đông 2022-2023. Vào thời điểm cao nhất, tháng 4/2023, mức thuế lên tới 8% chi phí khí đốt tại nền tảng Trading Hub Europe (THE) của Đức.
Trong khi đó, vẫn còn phải xem liệu EC có buộc tất cả các quốc gia thành viên EU tham gia lệnh cấm trung chuyển LNG của Nga hay không. Liên minh muốn đưa biện pháp này vào gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moscow - động thái sẽ tác động đến việc nạp LNG của Nga tại các cảng EU, hạn chế hơn nữa năng lực vận chuyển của Moscow.
Tuy nhiên, Nga sử dụng các tàu chở LNG phá băng chuyên dụng để vận chuyển LNG từ Bắc Cực, sau đó chất hàng lên các tàu tiêu chuẩn ở châu Âu để chuyển tiếp tới các thị trường khác. Lệnh cấm được đề xuất sẽ làm tăng thêm chi phí vận chuyển và hạn chế khả năng sẵn có của tàu, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến việc nhập khẩu LNG của Nga vào châu Âu.
Mặc dù EC khẳng định lệnh cấm sẽ không tác động đến nguồn cung LNG sang châu Á, nhưng bất kỳ biện pháp nào làm giảm nguồn cung ra thị trường và tăng chi phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người mua. Trong mọi trường hợp, lệnh cấm sẽ không được áp dụng trừ khi được tất cả các quốc gia thành viên chấp thuận, trong khi Hungary từng tuyên bố rằng họ sẽ phản đối động thái này.
Vấn đề quá cảnh khí đốt qua Ukraine
Dòng khí đốt của Nga sang châu Âu hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trước xung đột ở Ukraine (tháng 2/2022), nhưng nó vẫn chiếm một phần khá lớn trong tổng nguồn cung cho thị trường, và do đó, việc cắt giảm thêm nhiều khả năng khiến giá tăng vọt.
Sự gián đoạn có thể xảy ra nếu Moscow và Kiev không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu qua Ukraine, dự kiến hết hạn vào cuối năm nay. Chính phủ Ukraine khẳng định họ sẽ không tìm cách gia hạn và EC - cơ quan từng đóng vai trò quan trọng trong việc môi giới hợp đồng hiện tại vào năm 2019 - cho biết họ không thấy việc gia hạn là cần thiết.
Hungary, Slovakia và Áo vẫn nhận được lượng khí đốt đáng kể của Nga, chủ yếu thông qua Ukraine. Nếu thỏa thuận không được gia hạn, họ sẽ phải tìm giải pháp thay thế.
Áo có thể nhập khẩu từ Italy và Đức, trong khi Hungary sẽ mua hàng của Nga thông qua đường ống TurkStream, và Slovenia có thể nhập thêm khí đốt từ Algeria và những nơi khác.
Mặt khác, những người mua ở châu Âu có thể nhóm lại với nhau để đàm phán việc mua khí đốt ở biên giới Nga-Ukraine sau khi thỏa thuận hết hạn, đồng thời chịu trách nhiệm về việc vận chuyển khí đốt qua quốc gia Đông Âu đang có xung đột.
Tuy nhiên, bất kể điều gì xảy ra, sự không chắc chắn đã gây áp lực lên giá khí đốt, vốn vẫn tăng cao so với mức lịch sử, bất chấp điều kiện thị trường được cải thiện trong năm qua.
| G7 không chỉ nhòm ngó lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa; ông Putin ký sắc lệnh đáp trả Mỹ Các nước G7 đang thảo luận về khả năng chuyển cho Ukraine không chỉ lợi tức từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở ... |
| Bất động sản mới nhất: Hiệu quả từ chính sách gỡ khó, thị trường chuyển biến tích cực, Hà Nội chấm dứt dự án 'đắp chiếu' hơn 20 năm Thị trường chuyển biến tích cực nhờ những chính sách gỡ khó kịp thời, Hà Nội chấm dứt dự án tại Mỹ Đình, những lưu ... |
| Moscow lộ ‘xương sống’ kinh tế, Ukraine tố ‘quyền lực ngầm’ Rosatom vẫn tồn tại, EU khẳng định cai thành công khí đốt Nga Bất chấp nhiều vòng trừng phạt đánh vào kinh tế, Rosatom vẫn là một trụ cột tài chính của kinh tế Nga và nguồn khí ... |
| Khí đốt Nga có nguy cơ ngừng chảy qua Ukraine, châu Âu 'ủ mưu' mới, cậy nhờ Azerbaijan Các quan chức châu Âu đang đàm phán để duy trì lượng khí đốt chảy qua đường ống quan trọng giữa Nga và Ukraine. |
| Giá tiêu hôm nay 12/6/2024, giá tăng ‘chóng mặt’, tin chắc thị trường còn đi lên, người trồng phấn khởi Giá tiêu hôm nay 12/6/2024 tại thị trường trong nước nối dài chuỗi tăng ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 168.000 ... |