Khí đốt từ Nga sang châu Âu không thể chuyển theo tuyến đường ống phía Bắc thì có thể chạy theo tuyến phía Nam. (Nguồn: Vostok Photo) |
Sau khi các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 từ Nga sang Đức bị buộc phải giảm sản lượng và tạm ngừng hoạt động vì sự cố rò rỉ và lý do địa chính trị, Nga đã đề xuất phương án thay thế bằng cách biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm khí đốt quốc tế.
Trọng tâm của ý tưởng này là việc khôi phục dự án Dòng chảy phương Nam từng được thiết kế chạy từ Nga sang Bulgaria nhằm cung cấp khí đốt cho các nước Nam Âu. Dự án này thất bại vì bị Mỹ và châu Âu phản đối. Tuy nhiên, với Thổ Nhĩ Kỳ, mọi chuyện có thể khác.
Với chính sách thực dụng, Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò trung lập trong cuộc đối đầu Nga - phương Tây. Bất chấp sức ép của Mỹ và châu Âu, Ankara vẫn quan hệ chặt chẽ với Moscow. Thêm vào đó, vì không phải là thành viên EU nên Thổ Nhĩ Kỳ không phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của EU với Nga.
Trong tính toán của Ankara, dù EU tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng nhiều nước châu Âu như Serbia, Hungary, Czech, Bulgaria, Áo… vẫn phải nhập vì không còn lựa chọn nào khác. Với Dòng chảy phương Nam, Thổ Nhĩ Kỳ không những tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng như nhiều nước châu Âu, mà còn giành vai trò điều phối, góp phần hiện thực hóa tham vọng cường quốc khu vực của Ankara.
Còn với Nga, cái gật đầu của Ankara cho thấy Moscow đã bước đầu thành công trong mục tiêu chia rẽ châu Âu bằng con bài khí đốt. Nó là lời cảnh báo rằng, một khi Dòng chảy phương Nam hoàn thành, phương Tây sẽ không thể gây sức ép với Nga thông qua các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.
Thật nhiều toan tính xung quanh một tuyến đường ống!