Ngày 23/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mỹ. Bốn ngày sau, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng dự kiến sẽ có chuyến thăm tới Nhà Trắng. Những động thái ngoại giao dồn dập của hai nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không phá vỡ thỏa thuận hạt nhân của Iran năm 2015, đồng thời ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện xuyên Đại Tây Dương.
“Còn nước còn tát”
Ngày 14/7/2015, năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (là Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga) và Đức đã ký kết thỏa thuận với Iran (còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện – JCPOA), nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của nước này. Đây được xem là một trong những thành quả chính trị ngoại giao quốc tế nổi bật nhất mà Liên minh châu Âu (EU) đạt được cho đến nay.
Tuy nhiên, hiện JCPOA đang đứng bên bờ vực phá sản khi thời hạn tối hậu thư 120 ngày mà ông Trump đưa ra đang đến gần. Trước đó, tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu các đồng minh châu Âu phải sửa đổi “các sai sót nghiêm trọng” của thỏa thuận hạt nhân Iran, hạn cuối là ngày 12/5, nếu không Mỹ sẽ đơn phương rút lui.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng có chuyến thăm Mỹ trong tuần này. (Nguồn: Getty Images) |
Lời cảnh báo “khai tử” JCPOA của ông Trump khiến các đồng minh tại châu Âu hết sức hoang mang. Thỏa thuận hạt nhân Iran có vai trò quan trọng, không chỉ đáp ứng lợi ích chiến lược trước mắt và lâu dài của EU, mà còn liên quan đến vai trò hòa giải và uy tín của Pháp, Đức trên trường quốc tế lâu nay.
Lần này, cả Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đều đồng thuận với quan điểm “một thỏa thuận hạt nhân dù không hoàn hảo còn tốt hơn không có thỏa thuận nào” và quyết tâm thuyết phục ông chủ Nhà Trắng không “dứt áo ra đi”. Hai nhà lãnh đạo sẽ truyền tải thông điệp rằng Mỹ và châu Âu có ảnh hưởng mạnh nhất nếu cùng hợp sức để chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Quan trọng hơn, nếu thiếu Mỹ, Tehran tuyên bố sẵn sàng nối lại chương trình hạt nhân đang bị phong tỏa “ở tốc độ nhanh hơn nhiều” và lập tức quay trở lại cuộc đua nguyên tử.
Ông Marcon và bà Merkel đang phải chạy đua với thời gian vì ông Donald Trump chỉ thiếu một bước cuối cùng nữa là sẽ lật ngược bản cam kết. Họ càng phải vội vàng vì chuyến thăm chỉ diễn ra một tháng trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, với trọng tâm cũng về vấn đề vũ khí hạt nhân. Ở đó, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ sẽ dùng thỏa thuận với Bình Nhưỡng làm khuôn khổ xử lý quan hệ với Iran. Bởi vậy, số phận của JCPOA phụ thuộc rất nhiều vào tài thương thảo của hai nhà lãnh đạo châu Âu với ông Trump lần này.
Gỡ nút thắt thương mại
Sứ mệnh thứ hai của ông Macron và bà Merkel tại Nhà Trắng là thuyết phục Tổng thống Mỹ đưa các nước EU ra khỏi danh sách đánh thuế nhập khẩu nhôm, thép của Washington. Chính sách của ông Trump, bắt đầu có hiệu lực với EU từ ngày 1/5, là một phần trong kế hoạch giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Phát biểu ngày 22/4 trước thềm chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh lại rằng châu Âu dứt khoát không thể bị áp thuế nhập khẩu nhôm và thép của Mỹ: “Tôi hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định miễn thuế cho EU. Washington không thể thực hiện chiến tranh thương mại với các đồng minh”.
Thời gian qua, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU liên tục nóng lên khi Tổng thống Trump tăng thuế thép và nhôm. Châu Âu và các nước đồng minh khác của Mỹ không chỉ lo lắng rằng thuế quan sẽ giới hạn số lượng hàng hóa của họ nhập khẩu vào Washington, mà còn lo ngại rằng số lượng thép bị cấm nhập này khi tràn vào thị trường châu Âu, gây ra tình trạng dư thừa. Mặc dù sau đó, ông Trump đã tạm thời miễn trừ EU và một số nước ra khỏi danh sách áp thuế nhôm và thép, nhưng việc hợp tác lâu dài và cân bằng trong vấn đề kinh tế - thương mại vẫn là bài toán đau đầu với Mỹ và châu Âu.
Trong tuần này, ông Macron và bà Merkel sẽ phải tìm cách đưa ra các bảo đảm về thương mại khi đàm phán với Tổng thống Trump. Bởi theo lập luận của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, nếu hai nhà lãnh đạo châu Âu đặt một số vấn đề thương mại lên bàn, Tổng thống Mỹ có thể cảm thấy ông đã cầm trịch “trận đấu”, từ đó nới rộng thời gian và không gian đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đặt chân đến đất Mỹ, hai “nhà thuyết khách từ châu Âu” cần nỗ lực trên bàn đàm phán nếu muốn hoàn thành sứ mệnh. Chuỗi ngày làm việc tại Washington được dự đoán sẽ rất căng thẳng, với những bước đi đầy tính toán nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia nói riêng và của EU nói chung.