TIN LIÊN QUAN | |
Đừng để sinh viên xem nhẹ nghiên cứu khoa học | |
Anh sẵn sàng đóng góp tài chính cho nghiên cứu khoa học với EU |
Trong một video được đăng tải trên YouTube, nhà nghiên cứu kiêm giáo viên thỉnh giảng của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam (SUSTC) ở thành phố Thâm Quyến, He Jiankui tuyên bố với thế giới rằng ông đã thành công trong việc sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 để sửa đổi ADN của hai phôi thai người, tạo ra một cặp bé gái song sinh “biến đổi gene” đầu tiên trên thế giới.
Nhà khoa học này đã bảo vệ thí nghiệm nói trên trước một Hội nghị quốc tế về biến đổi gene người tổ chức tại Hongkong (hôm 27/11), nói rằng ông đã chỉnh sửa thành công ADN của cặp bé gái song sinh từ một người cha dương tính với HIV.
Nhà nghiên cứu sinh học He Jiankui phát biểu tại Hội nghị quốc tế về biến đổi gene người tổ chức tại Hongkong ngày 28/11. (Nguồn: Getty) |
Bỏ qua vấn đề đạo đức
Câu chuyện về công nghệ chỉnh sửa gene không hề mới, nó mở ra nhiều hướng điều trị đầy hứa hẹn đối với một số căn bệnh di truyền. Thế nhưng, giới khoa học chưa dám động đến thử nghiệm chỉnh sửa ADN phôi thai người bởi kỹ thuật này còn đang trong giai đoạn sơ khai và việc chỉnh sửa các phôi thai người có thể tạo ra những đột biến không lường trước trong những lĩnh vực khác - gọi là “tác dụng ngoài mong muốn” - điều có thể bị bỏ qua trong quá trình sinh nở.
Cũng chính vì lý do đó, công trình nghiên cứu mang tính lịch sử này không hề nhận được bất cứ lời khen ngợi nào. Ông bị các đồng nghiệp lên án rằng thí nghiệm này là “quái dị”, “phi đạo đức” và làm mất uy tín của nền nghiên cứu y học Trung Quốc. Trên thực tế, đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi He Jiankui xuất hiện trước công chúng, hiện không ai biết ông đang ở đâu. Ông cũng bỏ về sớm ngay sau khi trình bày nghiên cứu của mình để tránh sự nhòm ngó. Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra về He và đình chỉ hoạt động dự án.
Dù phải nhận nhiều chỉ trích, nhưng He vẫn thừa nhận rằng ông cực kỳ tự hào với thành quả của mình. Không những vậy, nhà khoa học đã từng tốt nghiệp Đại học Stanford này đã thực hiện thí nghiệm không theo sự kiểm soát của ngôi trường ông đang làm việc hay sự đồng ý của bất cứ hội đồng khoa học nào.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Ngoài vấn đề đạo đức, các nhà khoa học nói rằng gene “được chỉnh sửa” mang tên CCR5 là một bộ phận quan trọng trong hệ thống miễn dịch của con người. Đồng thời, việc loại bỏ nó sẽ làm tăng các nguy cơ mắc nhiễm các bệnh khác như virus West Nile và các loại bệnh cúm. Một số nhà phê bình khác thì cho rằng về mặt y học thì phương pháp này là không cần thiết bởi hiện nay đã có nhiều cách chữa HIV.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra những thiếu sót trong cách tiếp cận nghiên cứu của He, đặc biệt là trong cách ông thuyết phục cha mẹ của cặp song sinh, nó chỉ gồm hai buổi gặp mặt kéo dài tổng cộng ba giờ và không hề có một bên thứ ba độc lập nào giải thích đúng và đầy đủ các rủi ro và lợi ích của thí nghiệm này.
Nghiên cứu của He Jiankui đã khiến các nhà khoa học kêu gọi sự minh bạch của các thí nghiệm liên quan đến lĩnh vực biến đổi gene trên người và giới nghiên cứu cần phải có một hình thức quản lý nào đó để tránh những thí nghiệm “thiếu đạo đức” như thế này xảy ra một lần nữa.
Cuộc chạy đua kiến thức
Với nhiều người, việc thí nghiệm đầy tai tiếng đến từ Trung Quốc thì không phải là điều quá bất ngờ. Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhiều lần là người tiên phong thực hiện thành công các thí nghiệm biến đổi gene, bao gồm lần đầu tiên chỉnh sửa gene của khỉ, lần đầu sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 trên người.
Chính phủ Trung Quốc cũng bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư vào công nghệ chỉnh sửa gene (khoảng 254 tỷ USD trong năm 2017), sử dụng nó để thu hút các nhà khoa học hàng đầu cả trong và ngoài nước để qua mặt Mỹ, trở thành quốc gia thống trị lĩnh vực.
Trung Quốc có vẻ buông lỏng hơn Mỹ với công nghệ mới này. Theo Goldman Sachs, đến cuối tháng 2/2018, Trung Quốc đã cấp phép cho chín nghiên cứu sử dụng CRISPR chỉnh sửa các tế bào để điều trị nhiều loại ung thư và nhiễm HIV. Trong khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tới tận tháng 10 vừa qua mới cho phép tiến hành một thử nghiệm liên quan đến CRISPR.
Tuy vậy, đa số những phương pháp chữa bệnh mới này không hề được quản lý một cách chặt chẽ. Phát biểu với báo giới tại Hội nghị, Qiu Renzong, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Đạo đức thuộc Bộ Y tế Trung Quốc, cho biết những quy định lỏng lẻo ở Trung Quốc tạo điều kiện cho các nhà khoa học thường xuyên vi phạm các quy tắc mà không bị trừng phạt, và coi bộ này như "người vô hình".
Thế nhưng, theo giáo sư hóa học và hóa sinh học David R Liu thuộc Đại học Harvard, người tiên phong trong việc cải thiện công nghệ CRISPR, chúng ta không nên vì câu chuyện này mà có những đánh giá không hay về vấn đề đạo đức của giới khoa học Trung Quốc. Bởi dù sao, đây là hoạt động thí nghiệm sai trái của một cá nhân chứ không phải của cả một nền khoa học Trung Quốc. Thế giới vẫn sẽ cần những phát minh khoa học mới lạ và mang tính đột phá, và điều quan trọng nhất, những nhà nghiên cứu luôn miệt mài làm việc với mong muốn giúp cho cuộc sống con người ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Những thành quả từ đam mê Nghiên cứu khoa học gian nan bao nhiêu thì với nữ giới, sự gian nan đó lại nhân lên nhiều lần. Thế nhưng, hai nhà ... |
LHQ kêu gọi đầu tư cho nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học Đã tới lúc cần phải ủng hộ và đầu tư cho những phụ nữ và bé gái muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực ... |
Hội thảo về kinh nghiệm công bố nghiên cứu khoa học ra quốc tế Tin từ Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, đơn vị này sẽ phối ... |